Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2006

Thạch Sanh - Lý Thông


Ngày xưa ở quận Cao Bình có hai vợ chồng sống bằng nghề đốn củi, họ là người tốt lành nên Ngọc Hoàng sai thái tử xuống đầu thai làm con. Từ đó người vợ có mang, nhưng mang thai đã lâu mà vẫn chưa sinh nở. Mãi đến khi người chồng bị bệnh chết đi thì người vợ mới sinh được một đứa con trai tên là Thạch Sanh.
Thằng bé khôn lớn thì người mẹ cũng qua đời. Nó sống dưới gốc cây đa, và phải lên rừng đốn củi nuôi thân. Ngọc Hoàng thương Thạch Sanh nên phái một vị thần xuống dạy cho chàng đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.
Một hôm có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua đó, nghỉ ở gốc cây đa. Gã thấy Thạch Sanh vừa mang về một gánh củi lớn tướng mà vẫn tỉnh bơ như không, chẳng biết nặng nhọc là gì, gã liền nghĩ bụng:
- Người này khỏe như voi. Nếu nó về ở cùng ta thì lợi biết chừng nào.
Nghĩ vậy, Lý Thông tìm cách lân la gạ chuyện rồi đòi kết làm anh em.
Thấy có người lạ tự nhiên săn sóc đến mình, Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời. Sau đó, chàng từ giã gốc đa đến sống chung dưới mái nhà họ Lý.
Nhà Lý Thông vốn chuyên cất rượu. Thạch Sanh đến ở chung, mẹ con hắn quả được một tay đỡ đần rất tốt.
Bấy giờ trong vùng đó có một con Chằn Tinh, có nhiều phép biến hóa thường quấy rối dân chúng. Quan quân nhiều lần đến định diệt trừ nhưng không thể làm gì được. Cuối cùng hằng năm phải cống cho nó một mạng người để nó đỡ phá phách.

Năm ấy đến lượt nhà Lý Thông phải nạp người. Mẹ con hắn hoảng hốt lo sợ, nhưng sau đó nghĩ ra được một mưu để lừa Thạch Sanh đi chết thay.
Chiều hôm ấy, Lý Thông chờ lúc Thạch Sanh đi kiếm củi về, dọn một mâm rượu thịt ê hề mời ăn, rồi bảo:
- Đêm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, ngặt vì đang lỡ cất mẻ rượu, vậy em chịu khó đi ra miếu thay cho anh một đêm, rồi sáng về.
Thạch Sanh nhận lời đi ngay. Nửa đêm hôm ấy, Thạch Sanh đang ngủ thì Chằn Tinh hiện ra. Thạch Sanh cầm búa đánh lại. Yêu quái bị giết, hiện nguyên hình là một con trăn lớn. Chàng vội chặt lấy đầu và nhặt bộ cung tên bằng vàng của yêu quái xách về.
Canh ba đêm ấy, lúc mẹ con Lý Thông đang ngủ, bỗng nghe tiếng Thạch Sanh gọi cửa, hai người hốt hoảng thức dậy, ngờ là oan hồn của chàng hiện về liền van lạy rối rít xin tha mạng.
Nhưng khi thấy rõ là chàng còn sống và nghe kể lại chuyện giết Chằn Tinh thì gã Lý Thông gian manh lại nảy ra một kế khác. Gã liền nói:
- Trời ơi, Con trăn ấy là của nhà vua nuôi đã lâu. Nay em bắt giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng, em hãy lo trốn ngay đi! Có chuyện gì để mặc anh ở nhà lo liệu!
Nghe nói thế, Thạch Sanh kinh hoàng trốn đi ngay lập tức. Chàng trở lại túp lều ngày xưa bên gốc đa kiếm củi nuôi thân như cũ.
Lý Thông hớn hở đem đầu chằn tinh vào cung, khoe là mình giết được. Vua khen ngợi và phong hắn làm đô đốc.

Trong thời gian ấy, Công chúa con vua đã đến tuổi cập kê, có rất nhiều hoàng tử đến cầu hôn, nhưng công chúa không vừa ý ai, nên nhà vua lập hội kén rể.
Đang lúc sửa soạn gieo cầu thì bỗng một con đại bàng khổng lồ bay ngang qua, xà xuống bắt nàng đi mất.
Lúc bấy giờ Thạch Sanh đang ngồi dưới gốc cây đa, tình cờ thấy con đại bàng bay ngang qua, chân có cắp một người con gái. Sẵn cung tên vàng trong tay, chàng giương lên bắn theo một phát, mũi tên bay vút đến trúng ngay vào cánh con đại bàng.
Nó đau quá, đành phải hạ xuống, cắn răng nhổ mũi tên đi, rồi lại tha công chúa về hang.
Thạch Sanh lần theo vết máu rơi vung vãi trên mặt đất, tìm được chỗ ở của đại bàng là một cái hang nằm trên triền núi hiểm trở ở gần đấy.
Thấy con bị mất tích, nhà vua xiết bao đau đớn, vội sai đô đốc Lý Thông đi tìm, nếu tìm được thì hứa sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho.
Lý Thông vừa mừng vừa sợ, không biết phải tính thế nào. Cuối cùng hắn nghĩ may ra chỉ có người em kết nghĩa hiền lành kia mới có thể gỡ bí cho mình.

Thấy Lý Thông nói đến việc tìm công chúa, Thạch Sanh thật thà kể lại chuyện mình bắn Đại Bàng cho hắn nghe.
Lý Thông mừng như bắt được vàng, lập tức nhờ chàng dẫn đường cho quân lính tiến đến hang đá.
Cửa hang ăn thông xuống lòng đất sâu thăm thẳm, không một tên lính nào dám xuống.
Thấy vậy, Thạch Sanh tình nguyện buộc dây vào lưng mình cho quân lính dòng xuống hang để thám thính.
Đại Bàng từ hôm bị thương về nằm liệt một chỗ, bắt công chúa phục dịch.
Thạch Sanh xuống đến nơi, ẩn vào một xó, chờ lúc công chúa một mình đi ngang qua, chàng mới ra hiệu cho nàng biết là có người đến cứu.
Thấy người con trai lạ kia liều chết cứu mình, công chúa vô cùng cảm phục.
Thạch Sanh nghĩ không dễ gì hạ Đại Bàng ngay được nên cần phải lập mưu mới cứu công chúa được an toàn. Chàng lấy thuốc mê bảo nàng bỏ vào bình rượu chuốc cho hắn uống say.
Chờ lúc Đại Bàng ngấm thuốc ngủ mê, chàng yên tâm dẫn công chúa đến chỗ mình đu dây xuống.
Công chúa vô cùng cảm kích trước tấm lòng của chàng trai lạ, nàng chỉ muốn hai người cùng lên một lượt, nhưng Thạch Sanh ngại sợi dây không đủ chắc để cùng lúc mang cả hai người lên, nên chàng nhường cho công chúa lên trước.

Chàng buộc chặt công chúa ở đầu dây rồi ra hiệu cho quân binh của Lý Thông kéo nàng lên trước.
Công chúa đành phải nghe lời chàng mà lòng xốn sang, không nỡ chia ly với người đã cứu mình.
Vừa được đưa lên khỏi miệng hang thì Lý Thông bảo là tuân theo lệnh vua, lập tức hối thúc quân lính đưa nàng lên kiệu hồi cung.
Đợi công chúa đi khuất, Lý Thông liền thực hiện âm mưu thâm độc nhằm giành lấy công trạng này, vì nhà vua đã hứa sẽ thưởng công cho ai cứu được nàng.
Thạch Sanh đang chờ đến lượt quân binh thòng dây xuống kéo mình lên thì bất ngờ, dây đai đâu chẳng thấy, chỉ thấy đá từ trên miệng hang tuôn xuống ầm ầm như trời sập.
Chàng đâu có biết đó chính là âm mưu thâm độc của Lý Thông, hắn đã ra lệnh cho quân binh vần đá lớn lấp kín cửa hang và cấm bất kỳ người nào quay trở lại để cứu chàng.
Thạch Sanh mò mẫm tứ phía nhưng không tìm ra được lối thoát. Chàng vô cùng tức giận đập phá khắp nơi khiến cho Đại Bàng thức giấc.
Thấy người lạ, lại thấy mất công chúa, nó bừng bừng nổi giận, xông ra toan giết Thạch Sanh.
Nhưng nhờ phép mầu tiên ông dạy ngày xưa nên chàng vung búa chống lại Đại Bàng rất kịch liệt.

Đại Bàng vốn là con yêu tinh tu luyện lâu năm nên tinh thông võ nghệ, tuy bị thương nhưng hắn cũng còn rất mạnh mẽ. Hai bên đánh nhau kịch liệt, đá bụi bay tứ phía.
Thạch Sanh rất sung sức càng đánh càng mạnh. Yêu tinh mất sức nên yếu dần, chả mấy chốc chuốc lấy thất bại.
Sau khi giết được yêu tinh, Thạch Sanh đi lục lọi khắp mọi nơi trong hang, ngờ đâu gặp một người con trai bị nhốt trong củi sắt, thì ra đó chính là thái tử con Vua Thủy Tề.
Hỏi ra mới biết là cách đây hơn một năm, thái tử đi du ngoạn thì bị Đại Bàng bắt đem về nhốt tại đây. Chàng bèn dùng cung vàng bắn tan cũi sắt, cứu thái tử ra.
Thái tử hết lời cảm tạ và mời chàng xuống chơi thủy phủ.
Vua Thủy Tề sung sướng được gặp lại con, biết được Thạch Sanh là ân nhân của mình nên tiếp đãi chàng rất hậu.
Khi Thạch Sanh cáo từ ra về, vua Thủy Tề tống tiễn rất nhiều vàng ngọc, nhưng chàng không nhận, chỉ xin có mỗi một cây đàn. Rồi trở lại túp lều xưa sinh nhai bằng nghề cũ. Ngày ngày, chàng lên rừng kiếm củi mang ra chợ bán, đêm về mang cây đàn Vua Thủy Tề tặng ra khảy đôi câu giải buồn.
Thời gian trôi đi, tiếng đàn của Thạch Sanh ngày càng điêu luyện và sâu lắng, cuộc sống nhờ thế mà thêm vui.

Lại nói về Chằn Tinh và Đại Bàng sau khi chết, hồn chúng nó không được ai cúng tế, đành lang thang đi kiếm ăn.
Một hôm chúng tình cờ gặp nhau và kể cho nhau biết vì đâu mà có số phận long đong như thế này. Hai đứa liền bàn với nhau tìm cách báo thù Thạch Sanh cho bỏ ghét.
Chúng lẻn vào kho vua ăn trộm của cải rồi mang đến gốc đa để vu vạ cho chàng là kẻ ăn cắp. Thạch Sanh mãi lo đàn nên không hề hay biết.
Quả nhiên sau đó, bọn lính nội thị cứ theo dấu tìm đến gốc đa thì bắt được tang vật, Thạch Sanh không ngờ đến, chẳng biết thanh minh ra làm sao nên bị quân binh bắt về cung và giam vào ngục tối.
Về phần công chúa, từ khi nàng được Lý Thông đưa về cung thì tự nhiên hóa câm, suốt ngày mặt hoa rầu rĩ không nói không cười.
Nhà vua đành hoãn lại việc cưới xin, sai Lý Thông mời các pháp sư tài giỏi có đủ phép thuật cao cường về cúng bái cho nàng hết bệnh.
Nhưng cầu mãi vẫn không ăn thua, công chúa ngày này sang ngày khác cứ im như thóc làm cho Lý Thông vô cùng sốt ruột.
Giữa lúc đó thì nghe tin Thạch Sanh bị bắt, thuộc quyền xét xử của hắn.
Lý Thông biết Thạch Sanh còn sống thì lo sợ lắm, hắn định nhân cơ hội này đem chàng ra xử tội chết để phi tang những tội ác của mình.
Trong khi ấy, Thạch Sanh ngồi trong ngục, buồn tình đem đàn của vua Thủy Tề ra gãy, không ngờ đấy là cây đàn thần, âm thanh vẳng ra lúc thì như ai oán, lúc thì như than vãn, như tức bực, kể hết nỗi lòng của chàng.
Tiếng đàn vang ra xa, bay vào hoàng cung, chất chứa bao nỗi muộn phiền, kể hết nỗi niềm nhớ nhung với người con gái gặp trong hang sâu.
Vừa nghe tiếng đàn, đột nhiên công chúa choàng dậy, bao hình ảnh dồn dập diễn ra trong lòng khiến nàng bừng tỉnh, nói cười vui vẻ.

Nhà vua vô cùng ngạc nhiên, không hiểu duyên cớ gì mà công chúa tự nhiên khỏi bệnh, ngài vui mừng khôn xiết đến hỏi con:
- Con yêu của ta! Con đã thật hết bệnh chưa? Vì cớ gì mà bao lâu nay con trở nên câm như thế?
- Thưa cha, con cũng chẳng biết nữa, nhưng xin cha hãy cho vời người đánh đàn vào đây thì mọi chuyện sẽ rõ ạ!
Nhà vua nghe lời con, liền sai quân binh đưa Thạch Sanh đến.
Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi thân phận của mình từ lúc mồ côi cho đến lúc kết bạn với Lý Thông và vì sao chàng phải bị giam vào ngục.
Nhà vua nghe qua câu chuyện của chàng trai hiền lành chất phác này thì trong lòng thương cảm, trong khi đó, Lý Thông thì càng lúc càng lo sợ.
Thạch Sanh kể tiếp chuyện cứu công chúa rồi bị nhốt trong hang sâu, nay nhờ có cây đàn thần của vua thủy tề nên mới giải được nỗi oan bấy lâu nay.
Nhà vua bừng bừng nổi giận, sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng nhớ lại tình xưa, rộng lượng tha cho họ về quê làm ăn, nhưng khi về đến nửa đường thì hai mẹ con bị sét đánh chết.
Thạch Sanh được nhà vua y lời gả công chúa cho. Lễ cưới diễn ra tưng bừng náo nhiệt khiến cho các hoàng tử chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn tức giận, họ hội họp binh lính mười tám nước lại, cất quân sang hỏi tội nhà vua, tại sao lại đem công chúa con mình gả cho một đứa khố rách áo ôm.
Thạch Sanh không lo sợ, chàng cầm đàn lên gảy và tiếng đàn vang lên khiến cho quân lính không còn ý chí đánh trận nữa, đành phải cuốn giáp quy hàng.
Thạch Sanh dùng niêu cơm thần dọn cho chúng ăn, cả bọn bĩu môi khinh dễ cho là chàng keo kiệt vì chỉ bày ra có một niêu cơm. Biết ý, chàng đố họ ăn hết niêu cơm sẽ được trọng thưởng. Quả nhiên, chúng ra sức ăn, nhưng niêu cơm hết vơi lại đầy nên sau khi ăn xong, chúng rập đầu lạy tạ và kéo nhau về nước.
Về sau nhà vua không có con trai nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.

7 nhận xét:

  1. Thạch sanh nhìn hot quá, mỗi tội người to mà óc như trái nho

    Trả lờiXóa
  2. Từ ngữ vẫn chưa được trau chuốt

    Trả lờiXóa
  3. cau chuyen nay rat la hay cam on ai da giu lai cau chuyen nay
    thanh you so much

    Trả lờiXóa
  4. Chuyện cổ tích này để dạy người đời thôi!

    Trả lờiXóa
  5. lời văn chưa uyển chuyển, không gây ấn tượng lắm.

    Trả lờiXóa

Xin click vào khung dưới đây để ghi lại đôi dòng góp ý nhận xét của bạn.