Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

Bích Câu kỳ ngộ

knbcau12 Vào đời Hồng Đức, có một người học trò nghèo, sớm mồ côi cha mẹ, trọ học ở phường Bích Câu, phía Nam thành Thăng Long. Chàng rất hay chữ, tuy chưa đỗ đạt gì nhưng người ta vẫn gọi là Tú Uyên.
Vào một ngày mùa xuân, chùa Ngọc Hồ mở hội Vô Già, thiện nam tín nữ ở kinh đô và bốn phương tụ họp lại rất đông. Tú Uyên cũng không bỏ lỡ cơ hội để tìm người trong mộng. Chàng vui chân đi quanh quẩn đến chiều và ngồi bên gốc đa gần chùa. Bỗng một chiếc lá đa bay đến trước mặt, chàng nhặt lên xem thì thấy mặt sau có đề một bài thơ.
Tú Uyên ngạc nhiên tưởng có người nào trên lầu ném xuống rồi nấp vào một chỗ. Nhưng ngước nhìn mọi nơi, mãi cũng không thấy gì cả. Đương lúc ngơ ngác, chàng bỗng thấy một đám người từ trong chùa đi ra, trong đó có một thiếu nữ xinh như mộng. Thấy nàng liếc mắt đưa tình, chàng tiến lại bắt chuyện. Hai người vừa đi vừa vui vẻ truyện trò, lòng Tú Uyên như mở hội hoa đăng.
Nhưng khi đến Quảng Văn thì người con gái bỗng biến mất. Tú Uyên ngơ ngẩn mãi một lúc rồi mới trở về nhà.
Từ đấy, Tú Uyên ngày đêm mơ tưởng đến bóng dáng người thiếu nữ ấy, không thiết gì đến việc ăn uống, học hành.

knbcau14Nghe người ta bảo là đền Bạch Mã rất thiêng, chàng liền đến xin quẻ thẻ rồi ngủ đêm lại đền để cầu mộng. Đêm hôm ấy, vị thần giữ đền hiện ra trong giấc mơ của chàng nói rằng:
- Này anh chàng hào hoa kia, sáng mai hãy đến cầu Đông ta sẽ cho biết một tin rất tốt.
Tú Uyên vô cùng mừng rỡ, như vậy là chàng sẽ có cơ may gặp lại người trong mộng...
Hôm sau, chàng y hẹn đến cầu Đông, nhưng đợi mãi không thấy ai cả. Cuối cùng chàng mới gặp một ông già bán tranh, ông đưa tới mời chàng mua một bức tranh tố nữ. Chàng mở ra xem thì không ngờ hình dạng người tố nữ trong tranh trông chẳng khác gì người mà mình đã gặp hôm trước.
Quá mừng rỡ nên Tú Uyên mua ngay bức tranh mà không cần hỏi thăm xuất xứ từ đâu nữa.
Dù không gặp được người thật, nhưng người trong tranh cũng làm cho chàng hoan hỉ trong lòng.
Tú Uyên muốn lúc nào cũng được nhìn ngắm chân dung người đẹp, nên chàng treo bức tranh bên cạnh chỗ ngồi, để khi học, hay khi thưởng thức chén trà ngon, thậm chí khi ăn cơm chàng cũng đem ra hai cái bát, hai đôi đũa rồi mời người thiếu nữ trong tranh như mời thật.
Mỗi lần say đắm ngắm nhìn người tố nữ trong tranh như thế, Tú Uyên hơi ngạc nhiên khi thấy tố nữ cũng say đắm nhìn lại, cũng như những lúc chàng nói những lời hoa bướm với người đẹp thì thấy hai má tố nữ trong tranh đỏ bừng như có ý thẹn.

knbcau18Một hôm, khi Tú Uyên đi học về thì thấy giữa bàn đã dọn sẵn sàng một mâm cơm có thức ăn ngon, khác với cơm rau thường ngày. Tuy chưa hiểu là của ai cho, nhưng đói bụng, chàng cũng ngồi vào ăn một cách ngon lành.
Chàng không ngờ thiếu nữ trong tranh cũng nhìn chàng một cách trìu mến và mãn nguyện.
Tiếp mấy ngày hôm sau, chàng luôn được chăm sóc bằng cách đó, cơm canh lúc nào cũng được dọn sẵn sàng trên bàn. Tú Uyên vừa mừng lại vừa lo, không hiểu vì đâu mà mình được ưu đãi như thế!
Hôm khác chàng giả vờ đi học, được nửa đường rồi quay trở về, nấp ngoài cửa nhìn vào.
Chợt thấy tố nữ trong tranh bước ra, dọn dẹp nhà cửa và xuống bếp làm cơm. Thế là chàng đã biết rõ nguyên nhân, liền đột ngột xô cửa bước vào, nắm chặt lấy tay nàng mà rằng:
- Sao nàng lại nỡ để tôi trông đợi mỏi mòn đến thế! Bây giờ tôi đã gặp lại nàng, tôi nhất quyết là không cho nàng ra khỏi đây đâu!
Thiếu nữ trong tranh e thẹn, má đỏ hồng, không dám nhìn mặt Tú Uyên.
Tú Uyên đã biết nàng từ đâu ra nên giật lấy bức tranh trên tường xé nát để nàng không còn nơi trú ẩn. Người con gái se sẽ nói:
- Sao chàng ác thế! Thiếp đã lạc vào đây rồi nên đâu dám không vâng lời.
Rồi nàng cho biết mình là tiên nữ tên là Giáng Kiều, vốn có duyên nợ với chàng nên được xuống trần cùng kết làm đôi lứa. Tú Uyên tưởng không còn có gì vui sướng hơn nữa, chàng đưa tay lên trời thề yêu nàng trọn đời. Thế là hai người được thành thân với nhau, dưới sự chứng kiến của các bạn tiên của nàng.
Nhưng từ ngày được vợ đẹp, Tú Uyên buông thả không màng gì đến đèn sách. Suốt ngày chàng ở bên vợ và đặc biệt là thích được uống rượu và ăn ngon. Giáng Kiều khuyên can mãi, nhưng Tú Uyên vẫn chứng nào tật nấy.

knbcau20Ba năm trôi qua, chàng không hề lai vãng đến nhà học. Dần dà chàng trở nên nghiện rượu, đã uống thì uống đến say, không còn biết trời đất là gì nữa, thậm chí nhiều khi còn chửi mắng vợ.
Giáng Kiều giận lắm! Song nàng không biết làm sao hơn, kiên nhẫn chờ dịp quay về trời.
Một hôm Tú Uyên từ tửu quán khật khưởng trở về, Giáng Kiều đưa chồng vào giường rồi nhân lúc chàng ngủ thiếp đi, nàng liền bay về trời.
Lúc tỉnh rượu, không thấy vợ đâu, Tú Uyên lấy làm hối hận. Suốt một tháng trời, chàng bỏ ăn bỏ ngủ, kêu khóc thảm thiết. Bạn bè thân thiết hết lời khuyên nhủ nhưng chàng cũng không sao giảm được u sầu. Giận thân, chàng chỉ muốn từ giã cõi đời mà thôi.
Nhưng khi khăn vừa vắt lên xà nhà để thắt cổ tự vẫn thì bỗng có trận gió thoảng đưa mùi hương đến...
Thì ra đó chính là Giáng Kiều hiện ra cứu chàng. Tú Uyên vừa thẹn vừa mừng, thề xin chừa hẳn rượu và chăm lo học hành. Hai vợ chồng lại sum họp đầm ấm như xưa.
Chẳng bao lâu, Giáng Kiều sinh được một trai, đứa bé lớn lên thông minh tuyệt đỉnh, học đâu nhớ đó.
Một đêm nọ bỗng có hai con hạc từ trên trời bay xuống, đến đón hai người ở trước sân. Hai vợ chồng dặn dò con ở lại học cho tốt, rồi cưỡi hạc bay về trời.
Về sau con của hai người cũng đỗ đạt cao, làm quan vinh hiển...

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

Người cưới ma

tr03 Ngày xưa có một anh đồ họ Lê, nhà nghèo khó, phải bỏ đi các nơi làm nghề gõ đầu trẻ. Về sau anh được một phú ông một làng nọ đón về “ngồi” ở nhà để cho con khỏi đi học xa. Phú ông có một cô con gái chưa chồng. Từ ngày có anh đồ đến nhà mình, cô gái đâm ra phải lòng chàng trẻ tuổi. Thấy cô gái thực bụng yêu mình, anh đồ cũng yêu lại một cách thắm thiết. Hai bên từng thề non hẹn biển quyết sống với nhau đến đầu bạc .
Nhưng khi bố mẹ anh đồ mang trầu rượu tới dạm hỏi cô gái cho con, thì phú ông nhất quyết không gả. Không những thế, sợ để thầy đồ “ngồi” tại nhà mình lâu ngày không có lợi, nên hết năm đó, lấy cớ là con lên tỉnh học với cụ cử chỗ bà con, phú ông mời thầy dọn đi chỗ khác. Thấy mối tình bị chia rẽ, cô gái phú ông lòng đau như cắt, nhưng vì e thẹn, cô không dám cho một ai biết, chỉ mình tự khóc với mình mà thôi. Xa người yêu, cô sinh ra tương tư, lâu dần sầu não thành bệnh. Mặc dầu thuốc thang chăm sóc cũng nhiều, bệnh cứ nặng thêm, chẳng bao lâu nụ hoa mơn mởn sớm lìa cành.
Thương tiếc con gái, vợ chồng phú ông tỏ ý hối hận. Họ bỏ tiền ra làm ma chay rất hậu. Người ta bỏ vào áo quan tất cả những kỷ vật của nàng. Để tưởng nhớ lâu dài, người ta đập tấm gương soi của cô gái làm hai mảnh: một bỏ áo quan, một bỏ lên bàn thờ.

tr07 Lại nói chuyện anh đồ họ Lê, từ khi bị phú ông từ chối và cấm cửa, cũng đau xót không kém gì cô gái. Nhưng vì sinh kế, anh phải bỏ đi dạy học ở tỉnh xa. Tuy vậy anh cũng không quên theo dõi tin tức của người yêu. Khi biết nàng đã sầu não mà chết, lòng anh thương tiếc không lúc nào nguôi.
Từ đấy anh quyết định ở vậy luôn cho đến già, khước từ tất cả mọi đám do bà con mối manh hoặc tìm giúp.
Ba năm trôi qua.
Một hôm vào dịp cuối năm, anh đồ khăn gói trở về quê hương. Đường đi phải qua làng người yêu, nhưng vừa bước chân đến đấy thì trời đã tối. Bỗng trời nổi lên một cơn dông, gió bụi mù mịt. Đang đi đường thấy sắp sửa mưa to, anh đồ lật đật chạy tìm một nơi trú ẩn.
Chạy quá mấy lùm cây, thì may sao anh nhìn thấy xa xa le lói có ánh đèn. Anh vội băng đồng tìm tới. Khi đứng trước một ngôi nhà nhỏ, anh kêu cửa xin vào trọ. Cửa vừa mở, một cô gái cầm đèn bước ra. Anh hết sức ngạc nhiên vì người ấy chính là người yêu của mình ngày xưa, anh kêu lên:
- Ôi! Người hay ma đây? Nghe người ta đồn là nàng đã chết rồi kia mà? Tại sao bây giờ ở đây?
Cô gái tươi cười đáp:
- Thiếp chưa chết đâu.
Thấy anh đồ vẫn chưa tin, cô gái nói tiếp:
- Nếu chết rồi thì làm sao còn đứng nói chuyện được với chàng đây. Mấy năm nay thiếp hằng ngày tựa cửa đợi chàng. Hôm nay được gặp lại nhau thiếp vui mừng biết mấy. Mời chàng vào nhà kẻo ướt vì mưa.
Vừa bước vào, anh đồ vừa hỏi:
- Nhà có ai không? Nàng ở với ai thế?
Cô gái cười tươi:
- Thiếp ở với người cô. Ở đây đôi ta được tự do, không ai ngăn cấm chúng mình cả.

tr13 Nghe lời nàng nói, chàng họ Lê có vẻ ngờ vực. Anh rụt rè bước vào. Trong nhà bày biện có vẻ khác với ngôi nhà cũ ngày xưa anh ngồi dạy học, nhưng anh không tiện hỏi. Nhà vắng vẻ, chỉ có bà cô già hom hem lại nặng tai. Nhưng chỉ trong một chốc, cô gái đã gọi tới năm bảy người có cả đàn ông đàn bà. Họ vật lợn, giã giò, đồ xôi, gói bánh, khiêng bàn dọn ghế rất tấp nập. Anh hỏi cô gái khi cô ngồi lại bên cạnh:
- Nàng cho giết lợn đồ xôi làm gì vậy?
Cô đáp:
- Để làm lễ cưới chúng ta đấy! Sao chàng hiểu chậm thế!
Anh đồ ngạc nhiên hỏi:
- Không có bố mẹ họ hàng hai bên dự sao?
Cô gái cười:
- Có chứ, có cô ruột, có ông bà nội. Nhưng cũng phải làm giấu giếm một tí. Nếu có bố mẹ thì chàng chẳng lấy được thiếp đâu. Vả lại còn có xóm làng quanh đây đến chứng kiến cho đôi ta.
Cô gái thấy anh bỡ ngỡ liền dắt anh vào buồng. Trong buồng bài trí rất đẹp. Cô gái lấy tất cả kỷ vật ngày xưa hồi còn trẻ, trong đó có chiếc lược sừng cũ, anh đồ cảm thấy yên tâm hơn.
Anh rụt rè sờ thử vào người cô gái. Thấy nàng vẫn mềm mại như ngày xưa, mọi ngờ vực của anh đồ bỗng tan biến hết.

tr19Chỉ trong một chốc, cỗ bàn đã bày xong. Khách đến dự khá đông, có cả ông bà nội cô gái, bà cô lúc nãy và nhiều ông già bà lão, khăn áo đều đẹp đẽ chỉnh tề. Người ta mời hai anh chị vào trước bàn thờ làm lễ. Mùi hương trầm sực nức. Một ông cụ khấn vái hồi lâu rồi cuối cùng quay ra chúc phúc cho hai anh chị “bách niên giai lão”. Chàng họ Lê thấy cô gái đứng trước ánh đèn, gò má đỏ lên có vẻ thẹn thò.
Sau đó, họ ngồi vào mâm. Hai vợ chồng được ngồi riêng một mâm trong buồng. Cô gái ăn nhỏ nhẹ, nhưng anh đồ đói bụng nên cảm thấy ngon miệng. Phía ngoài tiếng đũa bát chạm nhau và tiếng chuyện trò râm ran. Cuối cùng cảnh vật lại chìm vào cảnh vắng lặng như lúc mới đến.
Hai người nằm lên giường trò chuyện. Anh đồ chưa bao giờ cảm thấy mình sung sướng đến thế. Anh đọc những vần thơ tả nỗi nhớ nhung sầu muộn từ ngày cách biệt cho vợ nghe.
Cô gái hỏi anh:
- Vậy chúng ta thành vợ chồng, thỏa nguyện ước, chàng có vui không?
Anh đồ đáp:
- Có, nhưng giá cha mẹ cho phép thì còn vui sướng gấp bội.
Cô gái lại hỏi:
- Thế ngộ nhỡ có việc gì, liệu chàng còn thương thiếp nữa không?
Chàng đáp:
- Thương chứ, thương mãi mãi.
Cô gái hỏi gặng lại:
- Thiếp chết rồi chàng có còn thương thiếp nữa không?
Anh đồ đáp:
- Dù thế nào cũng thương hết mực.

tr25Rồi sau cuộc ái ân, anh đồ lăn ra ngủ say. Đến sáng mai, khi anh bừng tỉnh dậy, thì không thấy nhà cửa ở đâu cả, chỉ thấy mình nằm trên một ngôi mộ xây rất đẹp. Anh mới biết rằng tối hôm qua, mình đã lạc vào làng ma và được gặp người yêu. Anh chỉ thấy làm lạ, rằng bụng mình vẫn no, mũi vẫn còn phảng phất mùi hương trầm.
Sau những ngày nghỉ ngơi ở quê nhà, anh đồ họ Lê lại trẩy vào mấy tỉnh đường trong để trở lại với công việc dạy học. Một năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Năm ấy tết đến, vì cơn bệnh giày vò, anh không về được. Khi lành bệnh anh lại tiếp tục dạy học cho đến tháng năm. Một hôm anh cảm thấy lòng xao xuyến, nhớ người yêu khôn tả. Hồi tưởng lại cái đêm năm xưa, anh tha thiết muốn được gặp lại nàng một lần nữa. Dù có thế nào cũng cam lòng. Anh bèn sửa soạn khăn gói từ giã đám học trò để trở về thăm quê.
Qua làng người yêu, anh không ngờ chân anh tự nhiên đưa bước theo lối cũ tới đúng cái nơi anh từng dự lễ thành hôn với người mình yêu dấu, và lần này cũng đúng vào lúc đêm hôm khuya khoắt như hôm nào. Gọi cửa anh lại thấy người yêu ra mở cửa. Nhưng trong tay nàng giờ đây còn có một đứa bé chừng bảy tám tháng. Nàng trách chàng:
- Sao chàng đến muộn thế, thiếp giận lắm đấy!
Anh đồ nhìn thằng bé hỏi:
- Con ai thế này?
Cô gái nói:
- Con chàng chứ con ai. Này thử nhìn xem, nó giống chàng như đúc.

tr31Anh đồ vui mừng cùng dắt tay vợ vào nhà, dưới ánh đèn, anh thấy vợ có phần xinh hơn tuy rằng nước da có phần xanh hơn trước. Riêng thằng bé thì bụ bẫm khôi ngô. Nàng nhìn anh cười nói:
- Sau này chàng nhớ dạy cho nó học. Nó sẽ làm hơn bố đấy!
Sau khi ăn cơm xong, hai người lại lên giường, lần này cô gái nói:
- Hai chúng ta đã kết nghĩa vợ chồng, thật thỏa lòng mong ước. Nhưng thiếp thực sự là người cõi âm không thể chung sống với chàng lâu dài được, nay chúng ta có một đứa con, xin giao lại cho chàng nuôi nó.
Thấy chồng có vẻ ngần ngại, vợ lấy trong hòm ra một mảnh gương vỡ trao cho mà nói:
- Chàng đừng lo phải bận bịu chuyện vất vả nuôi con, từ ngày thiếp mất đi, cha mẹ thiếp rất hối hận. Vậy chàng cứ đến nhà thiếp mà ở, thế nào ông bà cũng không tuyệt tình với cháu ngoại đâu. Chàng đừng lo ngại gì cả. Với lại chàng giữ lấy mảnh gương này, khi con khóc đưa ra cho nó soi, tự khắc nó nín ngay.
Tình tự ái ân suốt đêm anh đồ lại ngủ quên, sáng dậy, cũng như lần trước, mọi cảnh vật lẫn người yêu đều biến mất. Nhưng lần này trên ngôi mộ ngoài anh ra còn có một đứa bé và mảnh gương vỡ.

tr37Nhớ lời vợ dặn, anh đồ họ Lê ẵm con vào nhà phú ông. Sợ vợ chồng phú ông không nhận, anh chỉ xin cho mình ở nhờ để mở một lớp dạy học. Nhưng anh không ngờ vợ chồng phú ông lần này tiếp đãi mình rất tử tế, và sốt sắng nhận lời. Lại nhờ phú ông giúp đỡ, lớp học của anh đồ càng ngày một thêm đông học trò.
Từ đấy anh đồ đỡ vất vả hơn trước. Còn đứa con thì ông bà nhận nuôi nấng chăm sóc mà không tính công. Nhưng mỗi khi thằng bé khóc hờn thì không cách gì làm cho nó nín được, dỗ dành cũng dọa nạt đều chỉ phí công. Chỉ có đưa cho bố nó bế thì bao giờ cũng nín ngay.
Một hôm, phú ông để ý rình xem vì sao thầy đồ có cách dỗ con tài tình như thế. Khi trông vào mảnh gương vỡ trong tay thầy đồ, phú ông vội kêu lên, ngỡ là thầy đã tự tiện lấy trộm mảnh gương vỡ bày trên bàn thờ của con gái mình, ông liền hỏi:
- Tại sao Thầy lại dám lấy di vật của con gái tôi mà cho thằng bé chơi?
Chàng họ Lê vội vàng nói:
- Dạ không phải vậy đâu. Con nào dám tự tiện như vậy. Đây là mảnh gương của vợ con đưa để khi vắng nàng, con trẻ khóc thì đưa ra dỗ dành.
Phú ông gằn giọng:
- Có thật vậy không? Tai sao nó lại giống hệt mảnh gương của con gái ta để lại?

tr43Anh đồ cố gắng phân trần:
- Dạ thưa đúng như thế. Nếu ông không tin thì tìm lại mảnh gương là biết rõ con nói thật hay nói dối.
Phú ông liền cho người vào lục tìm ở bàn thờ thì quả nhiên mảnh gương vỡ vẫn còn. Ông ngạc nhiên nói:
- Sao lạ thế nhỉ, Đâu? Thầy đưa mảnh gương kia cho tôi so thử xem thế nào!
Anh đồ liền đưa ra ngay. Thật không thể ngờ được, khi đưa hai mảnh gương ráp lại thì vừa khít một tấm gương tròn trịa. Cả nhà đều ngạc nhiên vô cùng. Và sự ngạc nhiên ấy lại càng tăng lên gấp bội khi vết nứt bỗng liền lại trở thành một tấm gương chưa hề bị bể.
Anh đồ khi ấy bất đắc dĩ mới đem chuyện mình gặp lại vợ như thế nào cho gia đình phú ông nghe. Từ đấy vợ chồng phú ông nhận thầy đồ làm con rể, và nhận con anh làm cháu ngoại. Anh ở vậy nuôi con không lấy vợ khác nữa. Còn đứa con thì về sau quả là học giỏi, thi đỗ làm quan đúng như lời mẹ nó báo trước.

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2006

Giận mày tao ở với ai

Ngày xưa, có một phú ông tự cho mình có tính nhẫn nại ít ai bì kịp. Phú ông có một cô con gái nhan sắc rất là xinh đẹp.
Ngày con gái đến tuổi lấy chồng, phú ông liền nghĩ ra một cách, ông niêm yết bảng ở cổng nhà mình nói rằng: Hễ anh chàng nào làm cho lão nổi nóng hoặc giận dữ thì lão sẽ gả ngay con gái cho người đó, nhưng trong vòng một tháng mà không làm được điều ấy thì sẽ bị đánh một trăm hèo rồi đuổi về.
Thấy bảng niêm yết như thế, có nhiều chàng trai tìm đến thử sức để mong lấy được cô gái xinh đẹp kia về làm vợ.
Rất nhiều chàng trai lần lượt nộp đơn xin làm rể với nhiều mưu mẹo khác nhau mà vẫn không làm được lão nổi giận, đành chịu nhận lấy trận đòn đau mà tay không trở ra, mọi công sức làm rể để kiếm vợ coi như xôi hỏng bỏng không. Vì thế đã bao năm tháng, cô gái vẫn phòng không chiếc bóng.
Hôm nọ, có một chàng trai gầy gò đến xin ra mắt. Phú ông hỏi:
- Anh muốn gì?
Chàng trai đáp:
- Tôi muốn được làm rể ông.
Phú ông nghe vậy liền căn vặn:
- Thế anh đã đọc kỹ những lời ta giao hẹn yết ở bảng chưa?
- Thưa đã.
Nhìn anh chàng từ đầu đến chân, phú ông nói:
- Ta sợ rằng anh không chịu nổi một trăm hèo của ta đâu.
Anh chàng cứ cho là được và đến làm rể như lời y ước. Ở được mấy ngày, anh chàng đã rủ phú ông:
- Sáng mai thầy với con đi săn một chuyến kiếm vài con cầy, con chồn về ăn.
Nghe nói đi săn, phú ông tỏ ý ham thích, nhưng lại bảo:
- Đi săn nhưng nhà ta không có chó săn thì làm thế nào?
Anh chàng đáp ngay:
- Thưa thầy, Nếu vậy thì con sẽ làm chó cho. Được ngay mà!
Phú ông lấy dây cột “chó” lại rồi dẫn vào trong rừng. Chàng trai cứ hít hít ngửi ngửi hết bụi này tới lùm kia như giả vờ tìm mồi vậy.
Được một lúc thì thoáng thấy dấu vết con cầy gần đó nên phú ông thúc chàng trai chạy theo săn đuổi cho bằng được.
Chỉ sau một thoáng thì hai người vây chặt lấy lùm cây và săn được một con cầy. Phú ông và anh chàng rể vui lắm, hối hả mang mồi về nhà cho kịp bữa nhậu.
Sau khi đưa con mồi về nhà, phú ông liền bảo anh:
- Nào, đi làm thịt con cầy đi mày.
Anh chàng lắc đầu:
- Con là chó thì làm sao cầm dao làm thịt cầy được?
Phú ông lại bảo:
- Hừm, cũng biết đối đáp ghê nhỉ? Thế thì để đó tao làm mồi cho, còn mày đi mua rượu vậy!
Anh chàng vẫn lắc đầu:
- Con đã nói với thầy rồi, là chó thì đi mua rượu sao được!
Phú ông tức lắm, nhưng vẻ mặt vẫn tỉnh như sáo, một mình hì hục làm thịt con cầy, nấu nướng mọi thứ, trong khi đó anh chàng rể nhà ta cứ việc nằm khểnh ra đánh một giấc ngon lành.
Nấu nướng mọi thứ xong xuôi đâu đó, phú ông lại tất tả cầm bầu đi ra hàng quán mua rượu.
Anh chàng rể thấy phú ông đi khuất liền mang thịt cầy ra chén sạch, no đến tận cổ, chẳng chừa cho ông một miếng nào để chọc tức.
Phú ông mang được rượu về, thấy nồi thịt cầy đã hết nhẵn, trong bụng tức muốn sôi lên nhưng ngoài mặt lão vẫn không tỏ thái độ gì, chỉ hỏi anh chàng:
- Mày ăn cũng được, nhưng có để phần tao miếng nào không?
Anh thản nhiên đáp:
- Chó treo mèo đậy. Thầy vô ý để cho chó ăn mất, thì làm sao còn mà mong để phần?!
Phú ông đành trả lời:
- Thôi được!
Anh chàng biết phú ông tức mình lắm nên chờ một chốc sau liền tiến lại gần hỏi:
- Thầy có giận con không thầy?
Nhưng lão vẫn cười đáp:
- Hừm, giận mày tao ở với ai?
Anh chàng rể biết rằng thế là mình vẫn chưa thắng được lão, bèn cố nghĩ ra cách khác để đưa lão vào tròng, song cũng không phải giản đơn gì, vì đã có bao kẻ đến đây chịu đòn ra về rồi.
- Được, để rồi xem...
Một hôm khác, hai người lại rủ nhau đi săn. Lần này phú ông định tìm cách trả đũa chàng rể láu lỉnh, nên nhận làm chó.
Anh chàng rể cũng đã đoán ra thế, nên lần này anh lại nhắm vào những nơi đầy gai góc mà cắm lưới. Cứ mỗi lần thấy phú ông không dám xông vào, anh cầm roi quất vào đít ông và giục:
- Mau lên! Vào đi! Làm chó thì phải cố chui rúc, mới hòng bắt được mồi chứ!
Phú ông mấy lần bị đòn, đành phải xông vào, gai cào toạc cả mặt mũi trông rất xót, anh chàng ta lại lôi hết sang đông rồi sang tây để chận bắt con cầy hương, nhưng cứ vuột con mồi mãi.
Bấy giờ lão thấy làm chó không ổn rồi, nhưng chẳng lẽ chịu thua thằng rể láu lỉnh này nên lão đành nén giận. Anh chàng ta lại hỏi:
- Thầy có giận con không, thầy?
Lão vẫn tươi cười:
- Giận mày tao ở với ai?
Ngày hôm ấy, hai người cũng săn được một con cầy. Về nhà, anh làm thịt và nấu nướng xong liền quay sang bảo phú ông:
- Giờ thầy đi mua rượu đi!
Phú ông bắt chước anh đáp:
- Chó thì làm sao mà biết đi mua rượu hở mày!
Ngờ đâu anh chàng ta chỉ đợi lão trả lời thế, liền đi lấy sợi dây thừng trói phú ông lại bên cột nhà, nói:
- Giống chó là chúa ăn vụng, phải trói lại mới chắc ăn.
Nói xong rồi bỏ đi mua rượu. Phú ông ở nhà tức lắm, nhưng bị trói chặt quá, không nhúc nhích đi đâu được nửa bước.
Mua được rượu về, anh chàng rể một mình ngồi chén tì tì, bao nhiêu xương xẩu vứt lại chỗ phú ông để chọc tức. Chén xong anh mới mở dây thừng cho lão và hỏi:
- Thầy có giận con không, thầy?
Anh chàng vẫn nghe câu trả lời quen thuộc:
- Giận mày tao ở với ai?
Thấy chưa thắng được phú ông mà thời hạn đã gần kề, anh chàng hơi lo. Một hôm anh bàn:
- Nay công việc đồng áng hơi rỗi, con xin thầy đi buôn một chuyến kiếm ít lãi về, thầy con chia nhau.
- Ừ, được đấy!
Lúc ra đi, anh dặn phú ông:
- Chiều mai thầy ra chỗ ngã ba đầu làng, con đặt gánh hàng ở đó rồi phải đi ngay làm chuyến khác. Vì vậy nếu thấy gánh hàng, thầy cứ việc gánh về hộ con.
Chiều hôm sau, phú ông nghe lời anh chàng ra chỗ hẹn, đã thấy một đôi bồ đậy nắp chằng dây cẩn thận để sẵn ở đó.
Lão không biết hàng gì, nhưng cứ làm theo lời con rể, cất lên vai gánh về, đường thì xa mà gánh hàng thì thật là nặng.
- Cái thằng ranh này buôn bán hàng gì mà nặng như quỷ sứ...
Miệng thì trách nhưng lão vẫn phải gánh về, mặt mày phờ phạc, mồ hôi mồ kê tuôn như suối.
Gánh tới nơi thì lão mệt muốn xỉu, nhưng cố nén tức giận, cương quyết không chịu thua thằng rể láu cá này.
Sau khi ngồi nghỉ mệt một lúc, lão đứng dậy mở nắp ra, thấy một bồ đựng toàn là đá, còn bồ kia thì thấy thằng rể trời đánh ngồi thu lu ở trong. Anh chàng đứng dậy vừa cười vừa hỏi:
- Thầy có giận con không, thầy?
Phú ông vẫn cười đáp:
- Giận mày tao ở với ai?
Lần sau, phú ông cũng bắt chước quảy bồ đi buôn và dặn anh ra bờ sông gánh hộ hàng về. Đoán được âm mưu của lão nên chiều hôm sau, anh đến bên đôi bồ gõ lóc cóc giả làm tiếng ngựa phi, miệng thì hô to:
- Gánh gồng của ai để giữa đường chắn lối không cho ngựa quan đi à?
Ngồi thu mình trong bồ, phú ông nghe tiếng la, tưởng là ngựa quan sắp tới thật nên đâm hoảng, lúng túng thế nào để bồ lăn mấy vòng rồi rơi tõm xuống sông.
Anh chàng rể để cho lão làm một bụng nước rồi mới vớt lên hỏi:
- Thầy có giận con không, thầy?
Lão cố cười gượng:
- Giận mày tao ở với ai?
Hôm sau, người ta thấy anh quảy đôi sọt ra đi. Được một lúc, anh hốt hoảng chạy về nhà gọi rối rít:
- Thầy ơi, con úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Thầy ra giữ hộ con để con tìm lưới bủa xung quanh mà bắt cho chắc. Con chặn mấy hòn đá lại rồi, thầy ra ngay đi!
Phú ông vốn rất thích nuôi chim, nghe nói thế mừng quá, liền chạy ra chỗ dặn thì thấy có một chiếc nón úp giữa đường, phía trên dằn mấy hòn đá, lão bèn sụp xuống ôm chặt lấy nón.
Không may cho lão là vừa lúc ấy, có vua và đoàn tùy tùng trẩy qua nơi đó, nhìn thấy một người nằm phủ phục giữa đường khư khư ôm lấy chiếc nón, vua bèn cho dừng kiệu lại rồi bước ra hỏi:
- Nhà ngươi làm gì thế này?
Phú ông liền thưa:
- Tâu bệ hạ, kẻ tiện dân này có úp được một con phượng hoàng đất rất đẹp. Nó ở trong nón này, hiện đang chờ người về lấy lưới ra bắt kẻo sợ nó sổng mất thì rất uổng.
Nghe nói phượng hoàng đất, vua không ngăn được tò mò, vội truyền cho quân tìm cách bắt cho vua xem, không đợi lưới. Nhưng khi giở chiếc nón lên thì chỉ thấy lù lù một đống phân trâu, chẳng có phượng hoàng đất nào cả.
Giận vì có kẻ dám trắng trợn lừa mình, vua thét quân binh nọc phú ông ra đánh một trận nhừ tử.
Đợi vua quan và lính tráng đi rồi. Anh chàng mới từ trong bụi chạy ra đỡ phú ông dậy, xoa bóp rồi hỏi:
- Thầy có giận con không, thầy?
Phú ông tức quá chồm dậy:
- Đồ khốn! Mày làm ông suýt mất đầu, không giận mày sao được! Mày chết với ông nghe chưa?
Anh chàng vừa bỏ chạy vừa nói:
- Thế thì thầy thua rồi đấy nhé!
Mấy ngày sau, người ta thấy nhà phú ông có đám cưới. Ấy là đám cưới của chàng trai láu lỉnh lấy con gái chủ nhà mà anh đã thắng trong cuộc thi lạ lùng này.

Trọng nghĩa khinh tài

Khi xưa ở Thanh Hóa, có một người phú hộ tên là Nguyễn Đình Phương. Nhà ông có vườn cau ao cá, lại có chừng dăm ba chục mẫu ruộng tốt, hằng năm thu hoạch chất đầy kho lẫm.
Trong nhà ông, vợ con, kẻ làm người lụng khá đông, chi tiêu cũng lắm, nhưng ông không ngại. Vốn là người hào hiệp, nên khi có ai túng thiếu đến nhờ vả, ông sẵn lòng chu cấp hay cho vay mượn, ít khi để họ phải về không.
Nguyễn Đình Phương có một người bạn cố tri trước học chung một thầy tên là Trần Bính Cung, nay làm nghề buôn gỗ.
Bính Cung trước kia có của ăn của để, trong nhà vừa mẹ già vừa vợ con năm miệng ăn đều do một mình ông lo liệu chu tất, nhưng từ dạo ông đi mấy chuyến bè thất bại, phần bị cướp, phần bị lừa gạt, nên sinh ra thua lỗ nặng, có bao nhiêu ruộng vườn đều bán sạch để trả mà vẫn không đủ.
Tiếp đó, Bính Cung bị một trận ốm nặng, trở nên nợ đầm nợ đìa.
Quá hạn không trả được, chủ nợ cho bọn nặc nô đến đòi ráo riết, may mà có Nguyễn Đình Phương chạy tiền trả hộ, nếu không thì gia đình Bính Cung cũng chẳng còn có cái nhà mà nương thân nữa.
Sau đó, mỗi khi túng thiếu, Bính Cung còn cho vợ con đến nhờ vả lúc năm quan, lúc ba quan làm tiền thuốc men, Đình Phương vẫn vui lòng chu cấp.
Thấy bạn quá tốt bụng với mình, Vợ chồng Bính Cung vô cùng cảm kích.
Không ngờ bệnh của Bính Cung mỗi ngày một nặng, trước còn đi lại được, sau thì nằm liệt giường.
Biết mình sắp chết, một hôm ông cho mời bạn tới. Khi thấy mặt Đình Phương, ông nói:
- Tôi mắc nợ của bạn một số tiền lớn đã khá lâu mà chưa nói đến chuyện trả, thật là phụ tấm lòng tử tế của bạn quá.
Đình Phương liền gạt đi:
- Anh đừng nói thế! “Tiền là gạch, ngãi là vàng”. Tình nghĩa mới là cái đáng quý, còn tiền bạc nào có nghĩa lý gì. Anh đừng nhắc đến làm chi.
- Không - Bính Cung nói tiếp: - Sở dĩ tôi mời bạn đến đây là vì món nợ làm tôi không lúc nào nguôi. Bây giờ tôi tính thế này. Ngôi nhà này của tôi như gán món nợ, có văn khế viết sẵn đây, nhưng trước mắt tôi bây giờ, con thơ, vợ dại, em yếu, mẹ già, tình cảnh đáng quan ngại quá.
- Một mai tôi mất đi, nếu gia đạo tôi có việc gì, dám xin bạn tìm cách cứu vớt. Về sau con tôi lớn lên, gia đình tôi cất đầu lên được, chúng sẽ không bao giờ quên ơn bạn.
Đình Phương liền bảo:
- Sao anh lại nói thế? Mẹ anh đây cũng như mẹ tôi, con anh cũng như con tôi. Còn nhà của tôi, cũng như nhà của anh. Dù có thế nào đi nữa, tôi cũng xin gắng sức. Anh cứ thuốc men cho lành, còn món nợ hãy gác lại, đừng bận tâm gì về nó cả.
Bính Cung không nghe lời, cứ ấn khế vào tay Đình Phương, lại gọi các con mình ra lạy sống Đình Phương rồi nói:
- Bây giờ tôi chết mới nhắm mắt. Xin đa tạ bạn muôn đời. Tôi xin kết cỏ ngậm vành kiếp sau.
Bính Cung trối đến đấy thì nhắm mắt xuôi tay, giã biệt cõi đời.
Ngay sau khi Bính Cung qua đời. Nguyễn Đình Phương tỏ ra là người giữ lời hứa của mình. Ông bỏ tiền ra làm ma cho bạn chu tất.
Ông sốt sắng giúp đỡ gia đình bạn, khi quan tiền, khi thúng thóc, không biết mỏi. Cả nhà Bính Cung coi ông như cây cột trụ. Làng mạc xóm giềng đều khen ngợi việc làm của ông không tiếc lời.
Nhưng dần dà người ta thấy lòng hào hiệp của Nguyễn Đình Phương không phải là vô hạn. Sự giúp đỡ theo thời gian cứ thưa dần đi. Càng về sau, việc vay mượn của gia đình Bính Cung đối với ông càng trở nên khó khăn hơn...
Nhiều lúc người con của Bính Cung phải đợi suốt buổi, mà cuối cùng vẫn phải vác rá về không, vì Đình Phương tuy có nhà nhưng người nhà vẫn đáp là “đi vắng”.
Thái độ chuyển từ sốt sắng ra lạt lẽo của Đình Phương làm cho mẹ con Bính Cung thất vọng, coi đó như là một sự lừa gạt.
Một hôm, sau những ngày thiếu ăn, mấy lần đến vay mượn không được, vợ Cung đón đường cố tìm gặp Đình Phương để hỏi cho ra lẽ.
Khi gặp mặt Đình Phương, người đàn bà vật nài:
- Mẹ con bà cháu chúng em đói no là nhờ ở một tay bác. Mong bác cố rộng tay giúp đỡ cho nhà em qua được vận này.
Đình Phương nghe vậy liền vội vàng từ chối:
- Chị đừng thấy gia đình tôi như thế mà tưởng là sung túc, thuyền to thì sóng lớn, chúng tôi dạo này túng bấn tợn. Chị có thể chạy hỏi các nơi khác xem thử.
- Mẹ con chúng em chịu ơn bác rất nhiều, không bao giờ quên được. Biết đi lại mãi cũng làm phiền bác, nhưng tin vào lời hứa bác với nhà em lúc sắp mất nên một hai cậy dựa vào bác. Chẳng lẽ tình nghĩa ngắn ngủi có thế thôi ư?
Vợ Bính Cung không ngờ tới câu trả lời chát chúa của Đình Phương:
- Chị dạy như thế là lầm. Tôi cũng có vợ con của tôi chứ! Làm sao có đủ mà cứ phải chu cấp cho gia đình chị mãi được?!
Đình Phương lại buông thêm một câu còn lạnh lùng hơn:
- Không khéo tôi phải bán ngôi nhà bên chị để trang trải vài món nợ nữa đây!
Nghe lời nói như một gáo nước lã giội vào mặt, người vợ Bính Cung đành gạt nước mắt ra về, không quên kể lại sự tình cho mọi người trong nhà nghe.
Cả nhà ngồi lại khóc rấm rứt. Đúng lúc đó thì có một ông lão lối xóm chạy đến hỏi vì sao mà khóc.
Người vợ Bính Cung kể lại đầu đuôi từ lúc tình bạn đậm đà, cho đến những câu trả lời tuyệt tình vừa rồi của Đình Phương rồi nói:
- Cụ tính, bác ấy là ân nhân của chúng tôi mà mau thay lòng đổi dạ chóng thế, thì cả nhà còn biết làm sao mà sống bây giờ?
Nghe người vợ khóc, ông lão nói:
- Thắm lắm thì phai nhiều, đó là lẽ thường tình ở đời. Thôi, bây giờ mẹ con bà cháu nhà mợ hãy gắng tìm lấy một nghề mà nuôi nhau.
Vợ Bính Cung liền thưa:
- Cụ tính, trong nhà một đồng một chữ cũng không có. Ngôi nhà này còn là của họ, họ còn dọa bán, nay mai biết trú ngụ vào đâu. Thế thì cụ bảo làm nghề gì?
- Mợ cả và các cháu đây có biết dệt sồi chăng?
- Nuôi tằm dệt lụa cũng có thể học mà làm được cả, nhưng vốn liếng ở đâu? lấy gì mà mua khung cửi? lấy gì mà làm lương ăn cả nhà cho đến lúc có sồi đem đi bán?
- Tôi thì chả giàu có gì - ông lão nói. - nhưng thấy tình cảnh nhà mợ cũng đáng thương. Bây giờ tôi bàn thế này. Cứ phải luôn nhờ vả người ta mãi quả là không tiện. Trong tay cần phải nắm chắc lấy một nghề, có biết chèo lái thì mới hòng đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Nhà tôi vốn làm nghề dệt đã ba đời nay. Nếu mợ quyết chí thì tôi xin truyền cái nghề này cho mợ. Còn vốn liếng khởi sự thì tôi sẽ cố giúp, sau này mợ khá giả sẽ hoàn lại cũng được.
Ông lão nói rồi bắt tay làm ngay. Người vợ Bính Cung không ngờ một lão thợ dệt sồi ở xóm lại tỏ ra hào hiệp có phần vượt xa Nguyễn Đình Phương. Ông xuất tiền một lúc mua ngay khung cửi và mọi đồ lề khác để cho hai người đàn bà học dệt. Lại bỏ vốn cân tơ mang về làm.
Ông lão còn mất khá nhiều thời gian để bày vẽ cho họ mọi cái bí mật của nghề nghiệp. Chẳng mấy chốc họ đã có sồi đem ra chợ bán. Càng ngày, nghề của họ càng tinh.
Không bao lâu, gia đình đã dành dụm được tiền đem đi chuộc lại căn nhà. Họ lờ hẳn Đình Phương, coi như người xa lạ, trái lại, ân cần coi ông lão là một vị ân nhân.
Thấm thoát đã bảy tám năm trôi qua, người con gái của Bính Cung đã có người dạm hỏi.
Hôm chuẩn bị lễ cưới, trong nhà rộn rịp giết lợn, bày cỗ, tổ chức linh đình mà theo ý người vợ Bính Cung là để cho bõ những ngày gian truân vất vả vừa qua.
Nhưng giữa lúc tiệc cưới vui vẻ, khách khứa tấp nập ra vào, bỗng người vợ Bính Cung nhác thấy bóng ai quen quen thấp thoáng trước cửa, bà liền tiến ra xem thử, thì ra đó chính là Nguyễn Đình Phương - bạn của chồng bà ngày xưa, người mà bà cố tình chủ ý không mời nhưng y cũng khăn áo đến dự. Bà thầm nghĩ:
- Chẳng hiểu gã bạn bất nghĩa này còn đến đây làm gì nhỉ. Chừng ấy chuyện chưa vừa lòng hắn nữa hay sao?
Tuy vậy, vì lịch sự và hôn trường đang đông người nên vợ Bính Cung cũng tiến ra đón y ở cửa chính và chua chát nói:
- Bác hôm nay cũng đến đây ư? Xin mời bác vào trong cho. Chao ôi! Tôi tưởng rằng bác phải quên chúng tôi đã lâu rồi. Chắc bác cũng nghĩ rằng gia đình chúng tôi phải chết giấm chết giúi từ thuở đời nào, còn đâu được bác chiếu cố đến thăm nhà hôm nay nữa... Có phải vậy không thưa bác?
Đình Phương vẫn từ tốn cười mà không trả lời. Vợ Bính Cung thấy vậy định tìm những câu đau hơn nữa để nói cho y biết mặt, nhưng đúng lúc đó thì ông lão ân nhân đã bước ra nói nhỏ vào tai bà:
- Mợ cả, mợ đừng vội nóng, để tôi nói cho mợ nghe. Tất cả vốn liếng mà tôi giúp mợ, cả công lao bày vẽ của tôi nữa, đều là tiền bạc của ông Phương đây cả. Tôi chỉ là người trao hộ, làm hộ mà không nói ra cho mợ biết đó thôi.
Vợ Bính Cung nghe nói thế thì không còn chút thần sắc nào nữa, quay lại nhìn chăm chăm vào mặt Đình Phương, miệng ú ớ:
- Trời ơi, sự thật như vậy sao? Thế mà lâu nay tôi không nghĩ ra...
Đoạn bà gọi các con lại và nói:
- Các con ơi, mau đến đây mà lạy tạ vị ân nhân của chúng ta, đã bao năm nay ân nhân không hề oán trách, lại còn mượn tay người khác giúp chúng ta vượt qua cảnh khốn cùng để có được ngày hôm nay.
Song Đình Phương xua tay gạt đi và nói:
- Ấy, xin chị và các cháu đừng như thế, tôi vẫn nhớ lời hứa với anh nhà trước lúc nhắm mắt là trên đời này không có gì đáng quý bằng chữ “Nghĩa” mà, chứ tôi thì có tài cán chi đâu.

Bốn người bạn

Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thuở trẻ cùng học với nhau một thầy, nên họ có dịp sống chung với nhau lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố.
Về sau lớn lên, họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả. Trong số bốn người ấy, chỉ có Giáp là khá nhất, hắn làm chủ một tư cơ đồ sộ, tiền bạc như nước, giàu đến nứt đố đổ vách, còn ba người kia thì nghèo rớt mùng tơi.
Giáp là một người thâm hiểm và hiếu sắc. Tuy giàu có sung sướng nhưng trong lòng Giáp vẫn cảm thấy phiền muộn, vì hắn lấy phải một người vợ tuy mang về cho hắn nhiều của nả, nhưng bề nhan sắc lại chẳng ra gì.
Bao nhiêu lần hắn muốn kiếm vợ lẽ nhưng chẳng dám, vì vợ hắn nắm hết tiền bạc trong tay. Nhiều lúc máu độc ác nổi lên, muốn cô nàng chết đi cho rảnh để hắn lấy vợ khác nhưng cô nàng vẫn cứ phây phây...
Ngày còn đi học, Giáp được trông thấy người vợ của Ất, một trong ba người bạn của hắn, xinh đẹp dễ coi. Giáp đâm ra ganh tị với bạn. Hắn tơ tưởng rất nhiều về người đàn bà này và ao ước có ngày chiếm được người ngọc vào tay mới thỏa dạ.
Một hôm, nhân có Ất đến chơi nhà, Giáp đon đả bảo bạn:
- Bác bảo bác nghèo túng, sao bác không ném sách đi buôn một phen? Cứ mãi theo nghiệp đèn sách thì biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi?
Ất lắc đầu:
- Đi buôn thì phải có vốn. Vốn đâu dư dật ở tôi mà buôn với bán?
Giáp bèn đặt ra trước mặt Ất một trăm quan tiền mà rằng:
- Chỗ bạn bè, tôi vui lòng cho bác vay số tiền này làm vốn mở đầu. Tôi sẽ mách bác một người tôi quen, bác có thể buôn chung với họ một ít lâu cho thạo nghề. Chỉ mong rằng khi tiền trăm bạc ngàn tuôn về nhà bác, thì bác đừng quên tôi và số tiền nhỏ mọn này là đủ.
Không ngờ bạn lại quá tốt bụng với mình như thế, Ất bối rối cảm tạ và giơ tay lên trời, một hai thề bồi rằng mình sẽ suốt đời không quên ân nhân.
Cuối cùng Ất mang tiền về, rồi dặn vợ trông nom nhà cửa và mẹ già, đoạn theo lời Giáp mách, từ biệt vợ, lên đường tìm đến nhà người lái buôn lo làm ăn một phen xem thử ra sao. Ất đâu biết rằng mình đang sa vào một âm mưu thâm độc của gã bạn bất nghĩa và hiếu sắc.
Sau khi theo dõi và biết chắc là Ất đã vắng nhà, Giáp liền bắt đầu thi hành mưu kế cực kỳ nham hiểm và độc ác.
Một hôm, nhân lúc vợ mình đang ngủ say, máu tham sắc đã làm hắn mất hết tính người và trở nên ác độc khôn cùng, hắn nhẫn tâm bóp cổ vợ cho đến chết, rồi cắt đứt đầu vợ giấu dưới một cót thóc.
Xong xuôi đâu đó, hắn đến nhà Ất dùng lời nói khéo mời vợ Ất qua nhà mình.
Hắn liền bịa chuyện bảo:
- Anh ấy trước khi đi buôn có gởi tiền cho nhà tôi, bảo chị tới nhận nhưng dặn đừng cho ai biết cả, kẻo bọn chủ nợ hay được thì chúng không để cho chị yên đâu.
Người đàn bà nọ vốn được nghe chồng ca ngợi về lòng tốt của Giáp, tin rằng họ là bạn tốt với nhau từ hồi nào đến giờ, vả lại gia đình đang cơn túng thiếu, nên nghe nói thế thì không mảy may nghi ngờ, bèn theo hắn sang nhà.
Khi đưa được vợ Ất về nhà, Giáp đem tiền của và lời nói ngon ngọt hết sức dỗ dành để nàng trở thành nhân tình của hắn, nhưng hắn không ngờ rằng người đàn bà ấy một lòng một dạ với chồng, thà chịu chết chứ không chịu nhục.
Cuối cùng, vì không thể thuyết phục được người thiếu phụ trung trinh ấy, hắn đành phải dùng biện pháp mạnh, giam nàng vào trong một gian buồng kín, rồi khóa chặt cửa lại.
Hắn dặn đứa đầy tớ gái của mình không được hé môi cho ai biết, phải trông chừng và hằng ngày đưa cơm nước cho vợ Ất, hy vọng ngày một ngày hai sẽ ép được nàng ưng thuận ăn ở với mình.
Hắn còn lo rằng đứa đầy tớ gái phanh phui chuyện bí mật của mình, nên bắt cô gái uống một liều thuốc mua được của một người khách buôn nước ngoài. Uống xong, cô gái tự nhiên rụt lưỡi lại, miệng ú ớ không nói thành tiếng được.
Rồi nhân đêm tối, hắn bí mật đem cái xác không đầu của vợ mình ném sang nhà Ất để tìm cách hại bạn.
Lại nói chuyện Ất, Sau chuyến buôn đầu tiên được chia một phần tiền lãi, hí hửng định mang về khoe với vợ, ngờ đâu khi về đến nhà, anh không còn hồn vía nào nữa khi thấy vợ mình chỉ còn là một cái xác lõa lồ không đầu nằm vất vưởng trên nền đất, da thịt đã muốn rữa, trông rất thương tâm và kinh khiếp.
Ất chưa kịp than khóc thì tuần tráng đã ập vào nhà, gông cổ lại giải lên quan, cho rằng anh đã giết vợ. Ất một hai kêu oan, nhưng anh không cách gì giải được mối nghi ngờ của đám nha lại.
Sau những ngày tra khảo trong ngục, vì không chịu nổi cực hình nên Ất đành phải nhận liều. Bọn quan huyện, tỉnh đều nhất tề khép Ất vào tội giết vợ. Án được bộ hình chuẩn y, Ất bị tống giam, chỉ còn đợi ngày ra pháp trường.
Ngày ấy có lệ những tội nhân bị án tử hình nếu nộp vào kho công một nghìn quan và có người bảo lĩnh thì có thể chuộc được tội chết.
Vì thế, khi Ất bị giam, bà mẹ Ất chạy vạy khắp nơi để vay mượn và cầu thập phương bố thí. Thân thích xóm làng cũng như khách qua đường khi nghe kể chuyện oan ức của Ất, ai nấy đều động lòng thương, vui lòng giúp đỡ kẻ ít người nhiều. Dù vậy, mẹ Ất cũng không sao có đủ một số tiền quá lớn ngay được.
Hai người bạn khác của Ất tên là Bính và Đinh, nghe tin Ất bị nạn liền vội vã tìm đến nhà ngục thăm hỏi. Sau đó họ gặp người mẹ của Ất đang đứng trước ngã tư đường cái, nước mắt giàn giụa cầu khẩn lòng thương của kẻ qua người lại.
Nghe mẹ Ất kể chuyện, Bính và Đinh sực nhớ tới Giáp là người giàu có, có thể vì tình bạn bè mà giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Nghĩ vậy, họ bèn an ủi bà và hứa sẽ làm hết sức mình để cứu Ất khỏi cái chết.
Bính và Đinh tới nhà Giáp kể lể mọi việc xảy ra tại nhà Ất, tai họa từ đâu bay tới quàng vào cổ bạn để nay mẹ già phải dầm mưa dãi nắng bên đường. Cuối cùng, họ ngỏ ý cầu xin:
- Hiện nay, nếu gom góp tất cả số tiền quyên được cộng với số tiền bán gia tư điền sản của chúng tôi thì may lắm cũng chỉ được độ năm trăm quan, còn năm trăm quan nữa không biết làm thế nào, chúng tôi đành lại đây kêu gọi tình bạn của anh mong anh giúp cho.
Nhưng hai người đâu có ngờ rằng trong thâm tâm Giáp chỉ muốn cho Ất chết, có thế thì mọi việc của hắn mới mong trôi chảy. Hắn nói:
- Ai biết anh ấy lại không là thủ phạm?! Xem việc anh ấy quịt tôi một trăm quan tiền thì biết. Anh ấy cầu khẩn vay tiền nói là để đi buôn, tôi sẵn lòng cho anh ấy vay, nhưng mấy lần đi đòi, chẳng thấy trả được một đồng nào. Sát nhân giả tử. Anh ấy giết vợ thì trời sẽ hại, dù chúng ta cố hết sức cứu cũng không thoát.
Thấy không thể lay chuyển được lòng dạ của Giáp, Bính và Đinh bèn quyết định hy sinh thân mình để cứu bạn.
Họ bèn lên quan nói rằng, vì thấy vợ Ất đẹp quá nên hai người thừa dịp Ất đi vắng đến bắt để hãm hiếp. Xong cuộc, sợ nàng tố cáo nên giết đi, chặt lấy đầu vứt xuống sông cho mất tích. Nay cả hai người hết sức hối hận, biết rằng thế nào cũng có ngày bại lộ nên ra thú trước để may ra nhờ lượng trên khoan giảm.
Quan nghe chuyện Bính và Đinh tự thú thì lập tức sai quân binh giam hai người lại, đoạn ký lệnh tha bổng Ất, cho về với mẹ già.
Án của Bính và Đinh không mấy chốc mà thành. Với tội ác như đã nêu, họ bị kết án lăng trì tùng xẻo và bêu thây, nhưng vì “tiên năng tự thú” nên chỉ làm án chém. Và ngày giải ra pháp trường đã đến.
Bính và Đinh biết án tử đang chờ mình, nhưng vì thấy bạn bị oan nên thà chết để cứu bạn còn hơn.
Đến ngày hành quyết, hai người bị giải lên pháp trường, khi lý hình sắp sửa khai đao thì người ta bỗng thấy một cô gái cố len khỏi vòng người chật ních, tất tả chạy đến trước mặt quan. Hai tay cô ta chỉ chỉ trỏ trỏ, miệng nói ú ớ, ra dấu hiệu như muốn ngăn cản vậy.
Quan lấy làm lạ, nghĩ rằng cô gái câm này hẳn có biết ít nhiều về án mạng chi đây, nên vội hạ lệnh cho đao phủ ngừng tay, giải tội nhân trở về nhà giam để đợi tra cứu.
Về đến công đường, sau khi tra xét và phán đoán, quan cho rằng đúng người này bị câm là do nhầm thuốc, quan bèn sai tìm thầy thuốc cắt cho người con gái nọ một chén thuốc chữa tật câm.
Chén thuốc rất hiệu nghiệm, cô gái quả lần lần nói được, đó chính là người đầy tớ gái nhà Giáp. Cô ta liền kể lại rành mạch những hành động gian ác của chủ mình cho mọi người hay để quan khỏi phải án oan cho những người lương thiện kia.
Vụ án nhờ thế mà được sáng tỏ. Quân lính được lệnh kéo ngay đến nhà Giáp, mở cửa buồng trả vợ Ất về với chồng.
Giáp thấy vậy liền tìm cách thoát thân nhưng không còn kịp nữa, quân binh đã kịp thời bắt được và đóng gông lại, điệu vào nhà lao lãnh án tử hình thay cho Bính và Đinh.
Nghĩ tình bạn bè, hai người này cố sức trình bày với quan để Giáp được khỏi chết với số tiền chuộc tội một nghìn quan.
Cuối cùng thì quan cũng chấp thuận cho Giáp được tạm miễn tội chết sau khi nộp tiền chuộc theo luật thời ấy.
Nhưng khi tội nhân vừa được tháo gông, bước ra khỏi công đường, thì bỗng dưng một tiếng sét nổ vang giữa trời quang mây tạnh. Thần Sét đã ra tay trừng trị kẻ gian ác chết tươi ngay trước mặt mọi người.
Không còn cách gì hơn, người ta đành khiêng xác Giáp về nhà hắn để mai táng.
Ngờ đâu khi đi dọc đường, bỗng có một con hổ chẳng biết từ đâu tới, nhảy xổ ra vồ lấy xác của Giáp tha đi mất tích. Thật đáng đời một kẻ manh tâm độc ác, không bị người đời trừng trị thì cũng khó thoát khỏi lưới trời.