Thứ Hai, 26 tháng 6, 2006

Cứu vật, vật trả ơn

Ngày xưa, có một anh chàng chẳng có tài cán hay nghề ngỗng gì cả. Anh ta chỉ được cái hiền lành, hay thương người mà thôi.
Từ lúc vợ chết, anh trở nên túng bấn tợn. Có dạo anh phải ngửa tay ăn xin.
Thấy nghề này hèn hạ lại không nuôi nổi tấm thân, anh chàng mới xoay sang đi làm thuê.
Nhưng chỉ mới làm được một ngày thì anh đã thấy nhọc mệt và bị chủ la mắng nhục nhã, nên anh lại bỏ việc và dự định làm nghề đi câu là nghề anh cho là thong thả tự do hơn cả.
Chiều hôm đó, người ta trả công cho anh mấy đồng kẽm, anh chàng liền lấy số tiền đó làm vốn mua lưỡi, mua dây, quyết chí làm ăn sinh sống bằng nghề nghiệp mới.
Sáng hôm sau, anh ra ngồi ở bờ sông câu cá. Nhưng mãi đến trưa mà chả kiếm được tí gì, hễ buông câu xuống được một lúc thì mồi cứ mất toi.
Mãi đến chiều mới thấy phao chìm xuống, anh chàng ta mừng quá vội giật lên thì chỉ được một con rắn nước. Lấy làm bực mình, anh chàng gỡ con rắn ra rồi quăng xuống sông.
Lần thứ hai giật lên thì cũng lại chính con rắn nước hồi nãy. Anh van lên:
- Rắn ôi! Tao nghèo lắm, chỉ được mấy đồng kẽm thôi. Mày đừng hại tao hết cả mồi, rồi đây biết lấy gì kiếm ăn?
Anh chàng lại quăng con rắn xuống nước. Lần thứ ba cũng lại là con rắn đó mắc lưỡi câu. Anh giận lắm, không thả rắn xuống nước nữa mà nắm lấy cổ rắn mang đi định giết. Qua cửa đền bà Khai Khẩu, tự nhiên con rắn nước kêu lên:
- Đừng giết tôi. Tôi là con vua Thủy phủ. Vì tôi muốn đánh bạn với anh nên tôi mới tự cắn câu nhiều lần như thế.
Anh chàng đang ngạc nhiên thì nghe rắn lại nói tiếp:
- Hãy cho tôi theo đi, tôi sẽ giúp anh vượt qua cảnh nghèo.
Anh nghe lời, cho rắn đi theo mình, từ đó anh câu được nhiều cá: thứ ăn, thứ bán, cuộc sống rất dễ chịu. Anh với rắn ngày càng một tương đắc.
Một hôm, rắn cho anh biết trong ba ngày nữa sẽ có một trận lụt lớn xưa nay chưa từng có. Anh nghe lời rắn đóng một chiếc bè nứa để đề phòng tai nạn. Anh còn đi loan báo cho những người xung quanh biết, nhưng chẳng ai thèm nghe.
Ba ngày sau, quả nhiên gió bão nổi lên đùng đùng, mưa to như trút nước, khắp nơi mênh mông nước là nước, dâng cao như biển cả.
Cơn hồng thủy từ đâu kéo đến nhấn chìm tất cả. Người, vật, đồ đạc, gia súc và mùa màng đều ngập chìm trong biển nước, trôi băng băng mất tích.
Còn anh chàng thì nhờ được rắn cho biết trước nên đã chuẩn bị lương thực và đưa bè đi tìm chỗ lánh nạn an toàn.
Mãi mấy ngày sau thì cơn bão mới tạnh, anh chàng ta liền chống bè tìm về chỗ cũ.
Trên đường về, khi thấy một cái tổ kiến đang dạt vào một nhánh cây, con rắn liền bảo chàng:
- Anh hãy làm phúc cứu chúng nó một chút, vớt lên bè đi.
Chàng ta trả lời:
- Vớt làm gì bầy kiến nhỏ mọn ấy để nó bò khắp bè, có ích chi đâu!
Nhưng con rắn cứ khẩn khoản:
- Không, anh hãy nghe lời tôi đi. Thế nào rồi cũng có ngày chúng nó sẽ trả ơn cho anh mà.
Nghe lời rắn, anh chàng vớt cái tổ kiến lên bè của mình.
Đi được một đoạn lại thấy có một con chuột đang lội bì bõm sắp chết đuối. Rắn vội vàng kêu lên:
- Xin anh cứu con chuột với, nó sắp chết rồi kia kìa!
Anh đáp:
- Ồ! Con chuột thì cho nó chết chứ cứu nó làm gì?
Rắn lại lên tiếng:
- Không, anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh.
Mặc dù không hiểu dụng ý của rắn là gì, nhưng anh vẫn nghe lời, vớt con chuột đưa lên bè của mình.
Đến một chỗ khác, họ lại gặp một con trăn đang nằm cuộn tròn trên một ngọn cây giữa dòng nước đợi chết. Rắn cũng giục anh giúp nó thoát nạn.
Anh nhăn mặt nói:
- Ồ! Con trăn kinh lắm, cứu nó làm gì?
Rắn bảo:
- Làm sao nó có thể hại người đã cứu nó được? Anh cứ nghe lời tôi đi, nó sẽ rất có ích cho anh sau này.
Nghe lời rắn, anh chàng lại giúp đưa con trăn lên bè.
Thế là người và vật cùng nhau chống chọi với làn nước, quay trở về nhà.
Sau cùng, họ gặp một người đàn ông đang bám vào một khúc gỗ trôi giữa dòng nước, gương mặt thất thần và kiệt sức đang kêu cứu.
Anh chàng ta không đợi rắn bảo, định vớt lên bè, nhưng con rắn cản lại:
- Anh đừng vớt người ấy lên làm gì. Nó sẽ làm hại anh đấy.
Anh đáp:
- Người ta thường nói cứu một người dương gian còn có phúc hơn là xây chín cửa phù đồ, sao mày lại bảo tao chỉ cứu loài vật mà không cứu người kia chứ!
- Thì anh cứ để đấy mà xem...
Nói đoạn, mặc kệ những lời rắn can ngăn, anh nhất định thực hiện ý nghĩ của mình, liền vớt người sắp chết đuối đó lên bè, đốt sưởi lửa ấm và cho ăn uống tử tế, nhờ vậy mà người ấy dần dần hồi sức.
Riêng anh chàng tốt bụng thì thấy vui sướng trong lòng vì mình đã cứu sống được một mạng người.
Sau mấy ngày thì nước rút hết, anh thả tất cả các con vật lên bờ, mỗi loài đi mỗi hướng, còn người nọ vì gia đình phiêu bạt, nhà cửa trôi mất cả nên anh cho ở lại với mình cùng câu cá nuôi nhau và coi nhau như anh em ruột.
Đến lúc con rắn nước trở về Thủy phủ thì nó mời anh cùng đi theo xuống thăm cho biết. Dọc đường rắn bảo bạn:
- Nếu cha tôi cho anh thứ gì thì anh nhớ xin lấy cái đàn thất huyền. Đàn ấy hay lắm, nếu có giặc thì chỉ cần gảy một bài là có thể làm cho giặc phải tan.
Vua Thủy Tề thấy con bạn xuống chơi thì mừng lắm, tiếp đãi rất hậu, lại còn sai mang vàng bạc châu báu biếu anh, nhưng anh nhớ lời rắn nên cố khước từ, chỉ xin có mỗi chiếc đàn thất huyền. Vua liền cho ngay. Anh trở về cõi đất và quý chiếc đàn ấy vô hạn.
Một hôm nọ, vì có việc nên anh phải đi xa. Trước khi đi, anh giấu chiếc đàn thần dưới cột thóc và dặn người bạn chớ bén mảng đến chỗ đó.
Nhưng người kia nghe dặn, nghĩ rằng dưới ấy chắc phải có vật quý, bèn cố tâm kiếm tìm, quả nhiên tìm thấy chiếc đàn thất huyền.
Hắn đã biết sự mầu nhiệm của chiếc đàn ấy qua những lần anh ta vô tình kể chuyện Thủy Phủ, nên hắn liền sinh dã tâm, không nghĩ gì đến ân nhân cứu mạng mình ngày xưa, lấy trộm chiếc đàn rồi đến kinh đô để lập công danh.
Hồi ấy, quân đội nhà vua luôn phải đối địch với một nước láng giềng thường đem quân sang quấy nhiễu bờ cõi, dẹp hoài vẫn không yên.
Nghe tin ấy, hắn vào xin vua cho mình xung phong đi trừ giặc dữ.
Nhờ có chiếc đàn thần, hắn đã làm cho quân đội đối phương thua xiểng liểng, quay đầu tháo chạy.
Lúc thắng trận trở về, hắn được vua khen ngợi, phong làm đại tướng và ban bổng lộc rất hậu.
Sống trong cảnh giàu sang, hắn không còn nghĩ đến ân nhân của mình nữa.
Nhờ chiếc đàn huyền diệu kia đem lại, nên hắn đã được hưởng quyền cao chức trọng, giàu sang no ấm.
Hắn còn có thêm một hạnh phúc lớn lao nữa mà hắn không bao giờ nghĩ đến, đó là được nhà vua hứa gả công chúa cho hắn sau khi tiểu trừ giặc xong.
Nhưng hôn lễ đành phải hoãn lại vì khi vừa hứa hôn xong, đột nhiên công chúa bị câm, dường như nàng không muốn tiến hành chuyện nhân duyên này.
Thế là đành chờ đến lúc công chúa khỏi bệnh mới tiến hành hôn lễ được.
Lại nói về anh chàng câu cá, khi quay trở về thấy mất bạn, lại mất luôn cả cây đàn thất huyền thì vội bỏ nhà đi tìm.
Vào đến kinh đô, anh đi khắp nơi để dò hỏi, nhưng chẳng một ai biết tông tích người bạn ấy.
Ngờ đâu vào một hôm nọ, khi đang lang thang trên đường thì bất ngờ anh nhìn thấy người bạn của mình ngồi trên kiệu sơn son thếp vàng, có cả quân gia theo hầu đông nghịt. Anh đón kiệu lại, cất tiếng hỏi thăm bạn cũ, nhưng người kia vừa gặp lại ân nhân của mình đã vội thét lính bắt trói lại.
Thế rồi để cho khỏi lộ chuyện, hắn vu cho anh là giặc, sai quân binh nhốt vào ngục tối, không cho ăn uống, chờ ngày đưa ra pháp trường hành hình.
Ở trong ngục, giữa khi anh chàng đang khóc than cho số phận thì bầy kiến ngày xưa đã tìm đến hỏi thăm:
- Tại sao ông lại bị giam ở đây?
Anh chàng ngơ ngác, không hiểu tiếng ai hỏi mình, bèn hỏi lại:
- Ai đó? Tại sao tôi chỉ nghe tiếng mà không thấy người?
- Chúng tôi là bầy kiến mà ngày xưa ông đã cứu cho thoát khỏi nạn lụt đây.
Anh chàng cúi xuống tìm đàn kiến nhỏ, rồi kể cho kiến nghe nông nổi của mình. Kiến nói:
- Chúng tôi không thể làm được gì giúp ông, nhưng để chúng tôi đi tìm chú chuột ngày xưa, may có kế gì chăng.
Lũ kiến bèn chia nhau mỗi con một phương đi tìm chuột và báo cho chuột biết ân nhân của mình đang gặp nạn. Nghe vậy, chuột bảo:
- Bây giờ chắc ông ấy đói lắm, để tôi mang vào ngục một ít thức ăn đã, sau đó tôi sẽ đi kiếm con trăn ngày xưa thử xem nó có mưu mẹo gì giúp ông ấy chăng?!
Chuột liền đưa khoai và bánh lấy trộm được của một nhà hàng vào ngục cho anh chàng ăn, anh tỏ lời cảm ơn.
Đoạn cả gia đình nhà chuột kéo nhau đi kiếm trăn.
Lúc sắp đến nhà trăn, cả bầy chuột sợ trăn ăn thịt, bèn trèo lên cây cao gọi xuống:
- Bác trăn ơi! Bác trăn ơi!
Trăn nghe gọi thì trườn tới, một con chuột già đánh bạo leo xuống kể chuyện cho trăn biết. Trăn nghe qua liền bảo:
- Được rồi, tôi sẽ có cách giúp ông ấy để trả ơn cứu mạng chúng ta ngày xưa.
Trăn liền nhả ra một viên ngọc xanh biếc, bảo chuột đem về cho ân nhân và dặn rằng:
- Viên ngọc này mài ra thành bột có thể chữa lành bá bệnh. Ân nhân của chúng ta có thể đem chữa bệnh câm cho công chúa rồi nhờ đó mà thoát nạn.
Chuột liền cắp lấy ngọc quý mang về trao cho anh chàng và chỉ rõ mọi điều để anh đối phó.
Khi được ngọc, anh chàng liền xin gặp người cai ngục, bảo rằng mình có phép cứu được công chúa khỏi câm và xin cho anh được ra ngoài chữa bệnh.
Người ta dẫn anh vào cung vua để chữa bệnh cho công chúa. Quả nhiên, sau khi mài ngọc đưa cho công chúa uống thì chỉ một lúc sau, nàng liền nói được ngay, và câu nói đầu tiên của nàng là đòi lấy người cứu mình làm chồng.
Nhà vua hết lời khen ngợi, hỏi anh:
- Vì sao khanh lại có thứ thuốc thần diệu như thế?
Anh chàng kể lại đầu đuôi câu chuyện từ lúc câu được rắn, cứu được các con vật khác và cứu cả người, cho đến lúc người bạn phản bội, còn các con vật thì trả ơn, tìm cách giúp mình như thế nào...
Cuối cùng anh ta cũng nói thật cho nhà vua biết:
- Việc công chúa được khỏi bệnh là nhờ ngọc của con trăn mà thần đã cứu, chứ thần nào có tài cán chi đâu!
Vua nghe xong liền tắc lưỡi:
- Thật ta không ngờ bụng dạ hắn nguy hiểm và xấu xa đến như thế, còn tệ hơn cả loài vật nữa. Thế mà ta cứ tin tưởng, còn phong cho hắn đứng đầu quân binh nữa chứ...
Ngay lập tức, vua sai quân lính đến bắt giam tên đại tướng bất nghĩa kia để chờ ngày phán xử.
Còn anh chàng đi câu thật thà kia thì được nhà vua phán:
- Ngươi là người hiền lành nhân đức và đã có công cứu chữa cho công chúa khỏi bệnh. Nay ta phong cho ngươi làm quan và gả công chúa làm vợ theo như ý của nó muốn.
Từ đấy anh ta sống một cuộc đời sung sướng hơn trước.
Ngày nay câu “cứu vật, vật trả ơn, cứu nhơn, nhơn trả oán” vẫn còn dùng để mỉa mai những người tệ bạc, lấy oán trả ơn, còn thua cả những con vật là thế.

Quan Âm Thị Kính

Ngày xưa có gia đình họ Mãng giàu có và danh giá, họ sinh được một người con gái rất xinh và bụ bẫm. Người mẹ thường khen con:
- Ồ, con gái của bố mẹ ngày càng xinh đẹp và dễ thương quá đi thôi...
Người cha nói:
- Gia đình ta thật là có phúc. Tôi đặt tên cho con là Thị Kính. Bà có đồng ý không?
- Còn gì hơn nữa chứ? Mong rằng con sẽ thành một thiếu nữ ngoan hiền, thờ cha kính mẹ và kính trên nhường dưới, phải không con?
Thị Kính lớn lên thành một thiếu nữ nết na xinh đẹp. Đến tuổi lấy chồng, bố mẹ gả nàng cho một người học trò họ Sùng, tên là Thiện Sĩ.
Về làm dâu bên nhà chồng, Thị Kính chăm lo canh cửi, bếp núc để nuôi chồng ăn học. Nàng thường nói với chồng để khích lệ chàng:
- Chàng siêng học thế kia, công danh đang chờ chàng phía trước. Thiếp rất hài lòng về chàng.
Nghe vậy, Thiện Sĩ gắng công học tập hòng đạt được công danh cho vui lòng vợ và rạng danh gia đình...
Hôm nọ, Thiện Sĩ đọc sách gần bên chỗ Thị Kính đang ngồi may áo. Được một lúc thì mệt quá nên chàng gục đầu xuống bàn thiu thiu ngủ. Thị Kính cố giữ yên lặng cho chồng ngon giấc. Nàng có thì giờ ngắm nghía kỹ khuôn mặt tuấn tú của chồng, chợt Thị Kính nhìn thấy nơi má của chồng có một sợi râu mọc ngược. Nàng thầm nghĩ:
- Sợi râu này sao mọc kỳ lạ thế nhỉ? Người ta bảo râu mọc ngược là tướng bạc ác, ta phải cắt bỏ giùm chàng thôi!
Thị Kính liền lấy kéo trong rổ may cúi xuống định cắt sợi râu.
Vừa đúng lúc ấy thì Thiện Sĩ cũng chợt choàng tỉnh, thấy vợ cầm kéo kề sát bên mình thì thảng thốt kêu lên:
- Ớ... ớ, nàng làm gì kỳ vậy? Nàng định giết ta trong lúc ta đang ngủ ư?
Thị Kính cười, giải thích:
- Không phải đâu, thấy chàng có sợi râu mọc ngược nên thiếp định cắt đi...
Chẳng ngờ Thiện sĩ chưa tỉnh ngủ hẳn, trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt, nhất định không chịu tin như vậy, cứ việc tri hô ầm lên:
- Đừng có chống chế nữa! Ác phụ mưu giết chồng! Bớ người ta!...
Mẹ chồng Thiện Sĩ nghe hô hoán thì thất kinh chạy vào la lớn:
- Việc gì vậy? Việc gì vậy?
Nghe thoáng qua câu chuyện con trai mình kể, tức thì bà tru tréo lên:
- Trời ơi! Con ác phụ kia! Mày định giết chồng để lấy chồng khác giàu có hơn hay sao? Phải mà! Mày thấy nhà tao nghèo mày khinh... mày bày mưu ác độc phải không?
Mặc cho Thị Kính hết lời phân trần, cả nhà Thiện Sĩ xúm lại đổ hết tội lỗi lên đầu nàng. Người mẹ chồng nói:
- Báo quan đóng gông nó cho xong!
Còn người cha chồng thì bảo:
- Đuổi nó về nhà cha mẹ nó!
Thị Kính biết là không thể minh oan được, nàng vừa khóc vừa nói:
- Con đã thực lòng trình bày như thế mà cha mẹ không chịu nghe cho, thôi thì con đành chịu vậy... Nếu cha mẹ đã đuổi, thì con xin ra đi!
Thị Kính đau đớn khăn gói lầm lũi ra khỏi nhà chồng. Nước mắt chan hòa, nàng vừa khóc vừa nghĩ:
- Sự thể đã như thế này rồi thì còn mặt mũi nào về lại nhà cha mẹ mình nữa... Hu... hu... hu...
Buồn chán cho số phận éo le và để cho tiện việc đi lại một mình, Thị Kính liền cải trang thành đàn ông đi ra khỏi tỉnh nhà, lòng nhủ thầm:
- Ta sẽ đi thật xa rồi xuất gia đầu Phật cho hết kiếp này thôi! Ôi, cuộc đời đúng là bể khổ trầm luân.
Thị Kính cứ đi mãi, cố tìm một nơi trú ngụ cho thật xa quê nhà để xóa bỏ những ký ức đau xót. Hôm nọ, khi đi ngang qua chùa Vân trên khu đồi vắng, nàng thấy cảnh chùa yên tịnh nên rất vừa lòng:
- Mình gởi thân tu hành nơi đây cho xong kiếp người...
Thị Kính bèn xin vào bái sư phụ để được xuất gia đầu Phật:
- Xin sư phụ nhận con là đệ tử!
Sư cụ không biết nàng là gái, thấy Thị Kính hiền lành và tỏ lòng mộ đạo nên nhận cho làm chú tiểu và đặt hiệu là Kính Tâm. Sư cụ giải thích cho nàng biết:
- Kính Tâm là thành kính giữ gìn tâm đạo, con hãy nhớ điều này!
Thế là nguyện vọng đã đạt, Kính Tâm dốc chí tu hành. Nàng cho rằng sự đời đã tắt lửa lòng, nên tối sáng đều yên tâm làm bạn cùng kinh kệ, một lòng hướng về Đức Phật cho quên nỗi trầm luân.
Nhưng tu hành ở chùa Vân chưa được bao lâu thì một sự việc mới lại xảy đến với nàng.
Một hôm chùa Vân mở hội chay, ra thông báo cho dân trong vùng biết. Mọi người nô nức đến xem chùa khai trai đàn. Phật tử quanh vùng nô nức kéo về chùa dự hội rất đông...
Trong số người lễ chùa có cô Thị Mầu, là con gái của một phú hộ trong vùng, tính tình rất lẳng lơ. Cô ta thầm nhủ trong lòng:
- Hì hì...! Đi dự lễ biết đâu lại tìm được một anh tình nhân thì hay biết mấy!
Thị Mầu đi một vòng quanh chùa, vô tình trông thấy sư Kính Tâm, Cô ta khen:
- Ôi! Ông thầy chùa này sao đẹp trai quá chừng!
Cô ả bèn sinh lòng gian tà:
- Sao trên đời có người ngu như vậy chứ! Đẹp trai như vậy mà đi tu thì uổng quá! Mặc kệ! Chùa thì chùa! Sư thì sư! Bà phải ghẹo cho bằng được mới thỏa lòng mình.
Thế là Thị Mầu liền đi theo, buông lời ve vãn:
- Thầy ơi! Xin thầy đoái nhìn đệ tử nè! Đệ tử thành tâm, hết lòng với thầy mà...
Sư Kính Tâm nghiêm mặt lại đáp:
- Mô Phật! Tôi xuất gia giữ giới thanh tịnh, xin nữ thí chủ đừng cợt nhã nữa!
Nhưng Thị Mầu càng say mê hơn, õng ẹo níu kéo Kính Tâm:
- Chàng ơi! Xin đừng bỏ thiếp... Thiếp thật lòng yêu chàng mà!
Kính Tâm bực tức bỏ vào chùa, miệng lâm râm khấn vái:
- Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật!
Thị Mầu tẽn tò, bèn sinh lòng tức giận:
- Được! Ta có lòng thương mà bày đặt làm cao, rồi có ngày ngươi sẽ hối hận.
Lửa lòng bừng cháy, Thị Mầu không biết tìm ai bèn về tư thông với người tớ trai trong nhà. Vài tháng sau, cha mẹ Thị Mầu phát hiện ra con mình đã mang thai, bà khóc lóc nói:
- Trời ơi! Con gái chửa hoang! Nhục nhã quá, trời ơi là trời!
- Mi lỡ trót dại với ai thì nói ngay? Thú tội đi! Để tao còn xin làng xin nước chạy tội cho mi!
Thị Mầu đã có chủ ý trước nên cố tình dựng chuyện:
- Thưa cha mẹ, con lỡ trót dại với sư Kính Tâm ở chùa Vân.
Nghe chuyện động trời như vậy, người cha hốt hoảng kêu lên:
- Sư Kính Tâm hả? Trời ơi là trời! Thôi được rồi...
Sợ rằng con gái chửa hoang sẽ bị làng phạt vạ, cha mẹ Thị Mầu lập tức đưa sự việc ra trình báo với lý trưởng, cứ đổ riệt cho Kính Tâm:
- Tên nhà sư hư đốn ấy đã dụ dỗ con gái tôi. Bây giờ nó đang mang thai, xin quan làng xét xử cho.
Ngay lập tức, Lý trưởng sai quân đinh trong làng đến chùa Vân bắt Kính Tâm ra tra khảo.
Vốn là người có tính nhẫn nhịn, nên mặc dù bị đánh tơi tả, sư Kính Tâm vẫn cắn răng chịu đòn, không để lộ thân thế mình là gái. Miệng luôn gọi:
- Nam Mô Nhẫn nhục Vương Bồ Tát! Nam Mô Nhẫn nhục Vương Bồ Tát!
Bọn quân binh trong làng vẫn không hề nao núng, đánh đập nàng không chút nương tay.
Sư cụ thấy sự nhẫn nhục của Kính Tâm thì động lòng thương, đứng ra xin làng:
- Cho tôi xin đóng tiền phạt vạ, mong làng tha cho Sư Kính Tâm làm phước!
Nhờ vậy mà Kính Tâm được tha, không còn bị đòn đau.
Nhưng cũng từ đó, sợ miệng thế mai mỉa, ô danh chốn thiền môn, nên sư cụ đành phải bảo:
- Vì con đã phạm giới cấm, nên con phải ra ngoài thôi, không còn tu hành trong chùa được nữa!
Kính Tâm đành dứt áo rời khỏi chùa Vân, bây giờ trở lại với cái tên Thị Kính, nàng đau khổ cất túp lều dưới chân núi sống qua ngày, cam tâm chấp nhận sự hành hạ này, cắn răng không hề một lời van xin hay than thở.
Thị Kính luôn luôn nhủ thầm với lòng mình:
- Dù ở xa chùa, ta vẫn quyết tu hành cho trọn đạo!
Mặc dù ở nơi xa xôi, nhưng nàng vẫn ngày ngày siêng năng kinh nguyện, tu tâm như khi còn là sư:
- Ta thề kiếp này còn sống được ngày nào thì ngày ấy phải cố theo bước Phật Như Lai đến cùng! Xin Đức Phật từ bi phù hộ cho con.
Sự đời đến thế vẫn chưa yên. Vài tháng sau, Thị Mầu sinh được một đứa con trai. Đã trót đổ vấy cho Kính Tâm, nên cô ả chẳng hề biết mắc cỡ hoặc thương con là gì, hối hả đem con mình đến túp lều giao cho Thị Kính:
- Đây là con của người, tôi trả lại cho người đó!
Thị Kính chẳng biết làm sao hơn vì sợ lộ tông tích của mình. Hơn nữa, sợ Thị Mầu bỏ rơi đứa trẻ vô tội kia giữa đường khiến nó chết đi thì hối hận không kịp, do vậy mà nàng đành phải nhận nuôi đứa bé và khuyên Thị Mầu:
- Mô Phật! Xin nữ thí chủ đừng thù hận sân si làm chi nữa! Hãy cố mà về tu tâm dưỡng tánh.
Từ đó, Thị Kính đưa đứa bé vào lều sống chung với mình, ngày ngày bồng đứa bé ra đầu làng cuối xóm để xin sữa, Ai đi ngang qua cũng cười chế giễu:
- Tu hành mà không nên nết! Hư thân đến thế là cùng!
Mặc cho dân làng kẻ cười người chê đến rát cả mặt, nàng vẫn âm thầm chịu đựng, nhẫn nhịn im lặng và lòng luôn tâm niệm:
- Chư Phật đã dạy, người tu hành phải biết nhẫn nhục!
Ngày qua ngày, Thị Kính vẫn không một lời oán than, cam tâm cho số phận.
Cứ thế mà sáu năm dần trôi qua, nàng trông nom con của người như con mình, nên đứa bé rất khỏe mạnh và sống vui vẻ bên nàng.
Trong khi đứa bé ngày một nhởn nhơ khôn lớn, thì trái lại, sức lực của nàng ngày càng mỏi mòn kiệt quệ.
Cho đến một hôm kia, Thị Kính lâm trọng bệnh. Biết mình không thể sống lâu hơn được nữa, nàng gọi đứa bé lại bên mình rồi gắng gượng viết một bức thư kể rõ đầu đuôi ngọn ngành sự việc cho cha mẹ ruột của mình biết những chuyện bấy lâu nay, lòng thầm nghĩ:
- Cha mẹ mà biết được nguồn cơn này chắc sẽ hết buồn lòng. Còn đứa bé thì mình giao cho sư cụ nuôi. Chắc sư cụ cũng không nỡ từ chối!
Viết xong thư là lúc tàn hơi, Thị Kính dặn dò đứa bé sau khi mình chết thì trao thư lại cho sư cụ trên chùa, nhờ sư cụ trao lại cho cha mẹ nàng.
Sau đó, nàng an nhiên nhắm mắt qua đời trong sự thanh thản của tâm hồn.
Đứa bé đứng bên nàng khóc lóc vô cùng thảm thiết, rồi vì chỉ có một mình trong túp lều nhỏ cô quạnh, nên nó vội vã chạy vào làng báo tin cho mọi người.
Hay tin nàng mất, người trong xóm xúm lại khâm liệm nàng, nhờ vậy mà họ mới phát giác ra một điều khủng khiếp:
- Trời ơi! Sư Kính Tâm là đàn bà! Lạy Phật! Thì ra sư bị oan bao lâu nay mà chúng ta không hề hay biết!
Ai nấy đều nhận thấy rằng, sự chịu đựng của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực, không bút nào tả xiết.
Sư cụ biết được mọi chuyện thì nước mắt tuôn trào, ông luôn miệng khóc than:
- Đệ tử ơi! Thầy đã đuổi lầm con! Lòng nhẫn nhục của con không thua gì chư vị Bồ Tát! Đức từ bi của con lớn như núi Tu Di. Xin con hãy tha thứ cho thầy...
Sư cụ tổ chức trai đàn cầu siêu cho Thị Kính. Làng bắt Thị Mầu phải chịu hết mọi trách nhiệm về việc này, cô ta phải lo ma chay cho Thị Kính.
Đang lúc sư cụ niệm hương khai đàn thì Đức Phật Thiên Tôn hiện ra trên mây truyền phán:
- Thị Kính tu thành chánh quả, nay được phong thành Phật Bà Quan Âm.
Từ đó về sau, mỗi khi chỉ nỗi oan lớn nào đó thì người ta thường nói là “Oan Thị Kính” để nhớ đến câu chuyện này.

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2006

Thằng Cuội Cây Đa


Ngày xửa ngày xưa ở một miền núi nọ, có một chàng trai nghèo khổ cô độc tên là Cuội, ngày ngày chàng phải lên rừng đốn củi đổi gạo kiếm sống. Không người thân thích, không họ hàng, tất cả những gì Cuội có chỉ là một chiếc rìu nhỏ.
Một hôm như lệ thường, Cuội xách rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi vừa được một ôm củi thì Cuội chợt giật mình vì trông thấy một cái hang hổ mé bên kia bờ suối nhỏ.
Nhìn trước nhìn sau chẳng thấy hổ mẹ đâu, chỉ có mấy chú hổ con đang vờn nhau trước cửa hang. Sợ chúng lớn lên sẽ gây hậu hoạn về sau, Cuội liền nhẹ nhàng băng qua suối, thầm nghĩ trong bụng:
- Bọn hổ con này lớn lên thì phải biết, không chừng chúng vồ cả người chứ chẳng chơi, chi bằng ta diệt trừ chúng ngay bây giờ cho yên.
Thế rồi Cuội bất thần xông đến, vung rìu bổ xuống mỗi con một nhát tựa hồ như sét nổ trên đầu.
Bọn hổ con bất thần bị tấn công, ngã lăn quay ra đất, chết không kịp ngáp.
Trong lúc Cuội nhìn quanh thử xem có còn con nào nữa không thì bất ngờ một tiếng gầm khủng khiếp vang lên. Thì ra vừa lúc đó, hổ mẹ cũng về tới nơi.

Nghe tiếng hổ mẹ gầm sau lưng, Cuội thất kinh hồn vía, tưởng chết đến nơi, cậu chỉ kịp quăng rìu bỏ chạy rồi leo thoăn thoắt lên một ngọn cây cao ở gần đó để thoát thân.
Hổ mẹ lao theo để vồ mồi, nhưng vì không leo cây được nên tức giận gầm thét dưới gốc cây, vang xa cả một góc rừng. Cuội chỉ biết bám chặt lấy cành cây trên cao, hồn vía bay đi đâu mất cả.
- May mà mình kịp leo lên cây này chứ nếu không thì hổ mẹ xé tan xác rồi.
Từ trên cây nhìn xuống, Cuội thấy hổ mẹ lồng lộn trước đàn con đã tắt thở nên cũng thấy xót trong ruột về việc mình làm ban nãy.
Nhưng chỉ một lát sau, hổ mẹ bỗng bỏ con nằm đấy, lẳng lặng chạy đến một cây lạ ở gần đó, ngoạm lấy một nắm lá cây rồi trở về nhai nát, nhả vào vết thương của lũ con mình.
Chẳng mấy chốc, bọn hổ con dần dần cựa quậy, vẫy đuôi, rồi đứng dậy chạy nhảy chơi đùa như cũ.
Cuội bàng hoàng, không ngờ lá cây ấy là thần dược, cứu sống lũ hổ con.
Cuội không còn nghi ngờ gì nữa, biết rằng đó chính là cây thuốc thần, nên đợi cho hổ mẹ tha con đi nơi khác, liền leo xuống tìm đến cây thuốc ấy, đào gốc vác về nhà mình.
Ra khỏi rừng, Cuội gặp một ông lão nằm vật trên đường, da mặt xám ngắt. Cậu đặt cây xuống rồi ghé lại xem, thì ra ông lão đã chết từ lúc nào rồi.
Cuội liền nhanh tay rứt lấy mấy lá cây quý rồi nhai mớm vào miệng ông lão. Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong thì ông lão sống dậy, hết lời cám ơn chàng trai cứu mạng và hỏi chuyện.
Cuội thực lòng kể lại cho ông lão nghe tất cả mọi chuyện, từ lúc giết hổ con đến lúc hổ mẹ dùng lá cây cứu sống như thế nào.

Nghe xong, ông lão kêu lên:
- Trời ơi, lão từng nghe nói cây này vốn tên là cây đa, có phép “cải tử hoàn sinh”. Lão thật có phúc nên mới gặp con. Con hãy chăm sóc vun bón cho nó để cứu thiên hạ. Nhưng nhớ là đừng có tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó.
- Cây bay lên trời à? Sao lạ vậy ông?
- Ông cũng chẳng hiểu vì sao nữa, nhưng hãy nhớ làm theo lời ông dặn.
Nói rồi ông lão chống gậy ra đi, còn Cuội thì đem cây đa về trồng ở góc vườn trước nhà cho tiện việc chăm sóc.
Luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào Cuội cũng chăm sóc cẩn thận, xách nước tưới cây quý bằng nước giếng trong, khiến cây lớn nhanh như có phép thần thông vậy.
- Đúng đây là cây đa thần nên cứ mỗi ngày trôi qua, nó lớn mau như là trải qua hằng năm vậy. Thiệt không ngờ!
Cây quý được chăm sóc kỹ nên lớn nhanh, tàn lá xanh tươi bao quanh trước hiên nhà Cuội, trông rất thích mắt.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai vừa nhắm mắt tắt hơi là Cuội mang lá cây tìm tới để cứu chữa.
Cuội chỉ biết lo đi cứu người cho họ sống lại là mừng rồi, dùng phúc của trời mà san sẻ cho thiên hạ, Cuội không hề biết lấy tiền công của ai, chỉ nhận những lễ vật hoa trái họ biếu tạ cũng đủ cho cậu no lòng qua ngày.
Hết bên đông rồi sang bên tây, đi đâu ai cũng biết là Cuội cứu được rất nhiều sinh mạng, tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.

Một hôm Cuội đi chữa bệnh về, khi lội qua sông, chợt thấy xác một con chó chết trôi. Cuội chạnh lòng thương vớt lên:
- Ta đem nó về chữa khỏi, rồi nuôi nó cho vui cửa vui nhà.
Nghĩ vậy Cuội ôm chó đem về, hái lá đa đắp lên đầu nó. Chỉ một lát sau, con chó sống dậy, ve vẩy đuôi mừng rỡ.
Biết Cuội cứu nó nên nó luôn quấn quýt bên chàng tỏ ý biết ơn:
- Ta đặt tên cho mày là Vện nhé!
Con chó như hiểu được tiếng chủ, sung sướng ngoắt đuôi tỏ ý vui mừng. Từ ấy, Cuội có thêm con vật tinh khôn làm bạn.
Bấy giờ ở làng bên có một ông phú hộ rất giàu, nhưng chỉ có một cô con gái đã đến tuổi cập kê.
Chẳng may lúc đi dạo, cô bị sẩy chân lọt xuống sông chết đuối, cả nhà hay tin liền vớt xác cô đưa về rồi khóc than vô cùng thảm thiết.
Hay tin Cuội có phép thần thông, ông phú hộ cùng gia nhân hớt hơ hớt hãi ba chân bốn cẳng chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu sống con mình. Cuội liền nhẹ nhàng bảo:
- Ông bá cứ yên tâm. Tôi chuẩn bị mọi thứ rồi đi ngay đây.

Sau đó, Cuội theo chân phú ông về nhà và đưa lá ra chữa. Quả nhiên, chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên. Rồi nàng mở bừng mắt ra, vươn vai ngồi dậy.
Phú ông xiết bao mừng rỡ kêu lên:
- Ôi, anh quả thật là thần tiên giáng thế, con gái tôi sống lại rồi.
- Xin ông đừng nói thế, tôi chỉ là người thường thôi, chẳng qua là được phúc trời chữa bệnh cứu người – Cuội đáp.
- Anh đã cứu sống con gái thân yêu của ta, trong nhà này anh muốn gì thì cứ việc chọn tùy thích, muốn gì ta cũng cho.
Cuội bèn ngỏ ý muốn lấy cô gái mình vừa cứu sống làm vợ. Lão phú ông nghe thấy vậy càng thích, bằng lòng gả con gái mình cho Cuội.
Biết Cuội là ân nhân của mình, cô gái cũng vui vẻ thuận làm vợ chàng.
Và thế là đám cưới hai người diễn ra mau chóng. Cưới được vợ đẹp và ngoan hiền, Cuội không còn phải sống đơn côi như trước.
Được bố mẹ vợ giúp đỡ, vợ chồng Cuội sửa sang căn nhà lại cho tươm tất. Hai người sống với nhau thật vui vẻ, thuận hòa và vô cùng êm ấm.
Nhưng Cuội không ngờ, trong vùng có bọn con trai hồi trước vẫn ngấp nghé cô gái của lão phú ông, nay thấy bông hoa thơm tự nhiên lại lọt vào tay anh chàng đốn củi, thì ngấm ngầm ghen tị và cố tìm cách làm hại cho bõ ghét.
Một hôm, chờ lúc Cuội lên rừng, chúng xông vào nhà định bắt lấy vợ Cuội.
Không ngờ vợ Cuội chống cự quyết liệt nên chúng bèn vung dao giết chết.
Sau khi giết xong, chúng vẫn sợ bị lộ vì biết Cuội có phép chữa cho người ta sống lại, nên chúng lại moi ruột người đàn bà vứt xuống sông rồi mới kéo nhau đi.

Đến chiều, khi Cuội gánh củi trở về thì thấy vợ đã chết lạnh từ bao giờ rồi.
Cuội liền bứt lá nhai nát để mớm cho vợ, nhưng mớm bao nhiêu cũng không công hiệu, vì vợ chàng không còn có ruột nữa thì lấy gì thấm thuốc, làm sao sống lại được?!
Cuội ôm lấy vợ khóc lóc thảm thiết. Con chó thấy chủ đau đớn như vậy liền lại gần, xin hiến bộ ruột của mình thế vào bộ ruột của cô chủ để đền ơn.
Cuội chưa từng làm như thế bao giờ nhưng cũng liều nhắm mắt mượn bộ ruột chó thử cứu vợ mình xem sao...
Con Vện như hiểu được lòng chủ, nước mắt chảy ra và gật đầu nằm im. Cuội đau khổ mổ bụng chó lấy bộ lòng đem lắp vào bụng vợ mình:
- Vện ơi, hãy thông cảm cho ta. Ngươi quả là một con vật trung thành, nhưng ta không còn cách nào khác nữa... Mong cho ngươi được đầu thai kiếp khác sung sướng hơn.
Sau khi lắp ruột chó vào bụng vợ mình xong, Cuội lấy lá đa thần rịt vết thương lại để cứu sống vợ.
Quả nhiên chỉ một lúc sau, vợ Cuội bắt đầu cựa quậy và chợp mắt.
- Ôi, tạ ơn Trời Phật! Quả đây là cây thuốc thần. Vợ con sống lại rồi... Tội nghiệp cho con Vện của ta...
Thương con vật, Cuội liền dùng đất sét nặn thử một bộ ruột rồi đắp vào bụng chó để thế chỗ, sau đó lấy lá thuốc nhai nát rịt vào vết thương.
Không ngờ việc cũng thành, vết mổ mau chóng liền da rồi con Vện tự nhiên đứng dậy, vẫy đuôi liếm vào tay Cuội.
- Rốt cuộc thì mày cũng được cứu sống! Con Vện trung thành của ta!
Vợ với chồng, người với vật từ đấy lại quấn quít hơn trước.
Tưởng rằng như thế đã yên, ngờ đâu sau khi sống lại lần thứ hai, tính nết của vợ Cuội có phần thay đổi. Vì mang trong người bộ ruột chó nên người đàn bà ấy dường như lú ruột lú gan, nói trước quên sau, bảo một đàng làm quàng một nẻo.

Điều đó làm cho Cuội lắm lúc bực cả mình, nhưng vì nghĩ rằng Trời đã cho mình cứu sống vợ lần này nữa là phúc đức lắm rồi, chuyện ngớ nga ngớ ngẩn của vợ thì từ từ cũng sẽ thay đổi thôi.
Ngờ đâu sự việc đã đổi khác, đầu óc vợ Cuội chẳng những không thuyên giảm mà lại ngày càng lú lẩn hơn.
Cuội rất lo vì không biết bao nhiêu lần dặn vợ giữ gìn cho cây thuốc quý luôn được sạch: “Có mót thì đi đằng tây, chớ đi đằng đông mà cây dông lên trời”. Thế mà vợ Cuội nào có nhớ cho những lời dặn quan trọng ấy của chồng.
Một buổi chiều, trong lúc Cuội còn đi kiếm củi chưa về, người vợ đang hái rau ở vườn phía đông thấy mót tiểu, bèn chạy vội lại gốc cây quý của chồng vì chỗ đó kín gió, lại không ai trông thấy được.
Cô nàng lú lú lẩn lẩn, chẳng còn nhớ gì đến lời căn dặn của chồng, cứ thế mà vén váy tiểu ngay gốc cây đa quý kia.
Không ngờ sau khi tiểu xong, tự nhiên cả một vùng đất chuyển động, cây cối chung quanh rung lên ầm ầm và những cơn gió không biết ở đâu tụ về, thổi ào ào như thác đổ.
Vợ Cuội hốt hoảng lùi lại, nhưng chỉ một lúc sau, cây đa quý trước mắt nàng chuyển mình rồi long gốc, bật cả rễ lên trên mặt đất rồi lừng lững bay lên.
Trí óc nàng đã mụ mẫm nên chẳng biết nguyên do vì sao lại như thế, chỉ biết hốt hoảng kêu trời, song không còn kịp nữa, cây đa đã dần dần bay lên trước cặp mắt kinh ngạc của nàng.
Giữa khi ấy, Cuội đang trên đường về, tới gần cổng nhà mình thì chứng kiến sự việc trên. Thoáng thấy cây quý sắp bay mất, lại thêm bên cạnh đó có cả người vợ đang kêu la om sòm, Cuội đoán ngay ra được nguyên nhân:
- Trời ơi, chắc là vợ ta đã không nghe lời dặn, ngớ ngẩn đổ nước dơ vào cây cho nên sự thể mới như thế này... Cây đa thần của ta ơi, hãy ở lại đây đi!

Lập tức Cuội vứt ngay gánh củi, co giò chạy như bay về nhà, nhảy bổ đến toan níu cây lại, nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất, lên quá đầu người.
Cuội chỉ còn kịp lao đến móc rìu vào rễ cây cốt để kéo cây xuống, nhưng sức người làm sao địch nổi, cây vẫn một mực bốc lên cao, không ai có thể ngăn lại được nữa.
Người vợ chỉ biết giương cặp mắt kinh hoàng đứng nhìn theo một cách bất lực. Về phần Cuội, do tiếc cây thuốc quý nên cũng nhất định không chịu buông rìu, cứ bám chặt lấy.
Thành ra cây đa thần kéo cả người Cuội bay lên, bay lên mãi, cuối cùng vượt qua không trung, bay thẳng đến tận trên cung trăng rồi nằm luôn ở đó.
Từ đấy, Cuội ở luôn tại cung trăng với cây đa của mình. Cho nên mãi tận đến ngày nay, mỗi khi nhìn lên mặt trăng vào những đêm rằm, ta luôn trông thấy bóng ai đó giống như chú Cuội đang ngồi dưới gốc cây đa quý, rầu rĩ mơ về trần gian.
Người ta kể rằng, mỗi năm cây đa ấy chỉ rụng có mỗi một lá mà thôi. Ai nhặt được lá cây ấy thì có thể dùng để cứu người chết sống lại. Song đối với lũ trẻ con, mỗi khi thấy trăng tròn và hình dáng chú Cuội thì chúng chỉ biết hát:
“Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ...”

Truyện Tấm Cám


Ngày xưa có một cô gái xinh đẹp, hiền hậu tên là Tấm. Vì mẹ mất sớm nên cha cô tục huyền với một người đàn bà khác. Rồi sau đó cha cô cũng qua đời nốt. Tấm đành phải ở với bà dì ghẻ. Bà này cũng có một cô con gái trạc bằng tuổi nàng tên là Cám.
Ngày ngày Tấm phải đảm đương hết mọi công việc nặng nhọc trong nhà, kể cả việc lùa trâu ra đồng ăn cỏ.
Trong lúc đó thì Cám được mẹ nuông chiều không phải làm gì, suốt ngày chỉ biết ăn uống rồi đi rong chơi.
Một hôm bà dì ghẻ gọi cả Tấm và Cám vào rồi bảo:
- Hôm nay hai đứa ra ao bắt cá bắt tép, đứa nào được nhiều thì sẽ được thưởng, còn đứa nào lười biếng sẽ bị ăn đòn đấy, nghe chưa?
Tấm nghe lời dì, ra ao mải mê bắt cá, không dám nghỉ ngơi, còn Cám thì vốn lười biếng, lại ỷ vào tình thương của mẹ, nên đuổi bướm hái hoa chán rồi lăn ra ngủ.
Đến chiều Tấm vui vẻ bảo Cám:
- Chị bắt cá đầy giỏ rồi, mình về thôi Cám!
Cám nhìn vào cái giỏ trống không của mình, lòng thầm nghĩ:
- Chẳng có con nào, thế nào mẹ cũng mắng. Ta phải tìm cách cướp cá tép của Tấm mới được.
Nghĩ vậy, Cám liền nói với Tấm:
- Chị Tấm ơi! Đầu chị đầy bùn trông xấu lắm! Chị xuống gội đầu cho sạch rồi về cũng không muộn!

Tấm nghe Cám nói thì tin lời ngay, bỏ giỏ xuống, lội ra chỗ nước trong gội đầu, không một mảy may nghi ngờ.
Cám liền trút hết cá của Tấm vào giỏ của mình và vội vàng bỏ về trước.
Khi trở lên bờ, Tấm thấy giỏ cá của mình lăn lóc bên cạnh bờ ao thì khóc sướt mướt vì nghĩ đến trận đòn hôm nay.
Đúng lúc đó thì ông Bụt hiện ra nói với Tấm:
- Con đừng khóc nữa! Hãy xem trong giỏ còn con cá nào không? Ông sẽ tìm cách giúp cho.
Tấm ngưng khóc tìm trong giỏ và đáp:
- Thưa ông, còn sót lại một con cá bống nhỏ ạ!
Ông tiên cười vuốt râu nói:
- Vậy cũng tốt! Con hãy đem con cá bống đó về thả xuống giếng đi. Ta sẽ dạy
cho con câu này để gọi nó lên ăn cơm. Sau này nó sẽ giúp con.
Tấm nghe lời ông Bụt, ngày ngày để dành cơm đem đến rồi gọi:
- Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta. Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
Bà mẹ ghẻ và cô Cám nghi ngờ nên bà bảo Cám:
- Con rình xem nó làm gì mà ngày nào cũng thậm thụt ngoài giếng hoài vậy?
Cám nghe lời mẹ, theo dõi Tấm và biết được sự việc liền nói với mẹ.
Qua hôm sau, bà mẹ sai Tấm lùa trâu đi vào núi ăn cỏ. Ở nhà, mẹ con Cám bắt chước Tấm gọi cá lên cho ăn rồi vớt lấy cá đem vào bếp làm thịt.
Chiều Tấm về gọi cá lên cho ăn, gọi mãi không thấy cá đâu, mà chỉ thấy một cục máu nổi lên, nàng sợ hãi bật khóc:
- Trời ơi! Cá bống mất rồi, hu hu...
Bụt lại hiện ra hỏi vì sao, Tấm đáp:
- Dạ thưa ông, người ta bắt mất bống của con rồi!
- Thôi, hãy về nhặt xương của nó bỏ vào lọ, đem chôn ở chân giường, sau này con sẽ cần đến nó!

Tấm nghe lời vào nhà tìm, nhưng nàng chẳng thấy mảnh xương nào cả. Chợt một con gà trống bay vào nói:
- Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta móc xương cho!
Tấm liền cho nó một nắm thóc, tức thì nó bươi trong đống tro văng ra xương cá. Nàng đem chôn đúng chỗ ông Bụt dạy.
Một thời gian sau, mọi người nô nức rủ nhau đi xem hội. Bà mẹ ngại Tấm đòi đi theo liền trộn chung đậu và gạo với nhau rồi bảo Tấm:
- Muốn đi dự hội thì hãy nhặt hết đậu trộn trong gạo chia ra làm hai phần rồi mới được đi nghe chưa?
Tấm cầm nia gạo trộn đậu mà rơi nước mắt nhìn theo hai mẹ con Cám. Nàng chỉ biết than thở:
- Ôi! Sao ta lại khổ thế này? Hu hu...

Nghe vậy, Bụt lại hiện ra:
- Ta biết con thích đi dự hội nên đến giúp đây! Con hãy đặt nia gạo ra sân ta sẽ cho bầy chim xuống nhặt cho.
Tấm liền làm theo lời ông Bụt và gọi:
- Chim sẻ ơi! mau xuống giúp ta!
Một đàn chim từ trời cao kéo xuống nhanh nhẹn nhặt đậu và gạo giúp nàng. Trong chốc lát gạo và đậu đã được tách riêng ra hai bên gọn gàng.
Ông Bụt lại nói với Tấm:
- Bây giờ con hãy đào lọ chôn xương cá lên! Con sẽ tìm được những thứ mà con mong ước!
Tấm vội làm theo lời của Bụt, đào chiếc lọ lên và nàng thấy có nhiều thứ quý giá ở bên trong. Nàng vô cùng ngạc nhiên và vui mừng bảo:
- Ồ! Áo đẹp quá! lại có cả đôi hài nhung dễ thương này nữa!
Tấm vừa cầm áo ra khỏi lọ, thì một con ngựa bé tí cũng chui ra. Nàng thốt lên:
- Ôi! Lại có cả ngựa! Nhưng sao nó bé xíu thế nhỉ? Làm sao cháu đi được?
Tấm vừa dứt lời thì con ngựa đã biến thành một con ngựa trắng, to lớn khỏe mạnh với các bộ yên cương rất đẹp.
Tấm liền tắm rửa, thay áo quần và đi hài vào. Tất cả mọi thứ đều vừa vặn y như là của nàng.
Sau đó Tấm lên ngựa, con thần mã lao đi vun vút, chẳng mấy chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một vũng nước, Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống nước mà không kịp nhặt.
Khi ngựa dừng lại ở đám hội, Tấm lấy khăn gói chiếc giày còn lại rồi chen vào trong đám người dự lễ.

Lúc ấy đoàn tùy tùng đưa nhà vua cũng vừa đến. Con voi vua ngự không chịu đi qua vũng nước, nhà vua ngạc nhiên hỏi:
- Lạ nhỉ! Sao đến đây nó không chịu đi nữa? Các khanh tìm xem quanh đây có điều gì lạ không?
Quân lính sục sạo mọi ngõ ngách và tìm ra chiếc hài nhỏ dâng lên vua. Nhà vua nhìn chiếc hài nghĩ:
- Chủ nhân của chiếc hài nhỏ xíu này chắc chắn phải là một trang tuyệt sắc.
Lập tức vua hạ lệnh rao mời tất cả đám đàn bà con gái dự hội đến ướm thử, hễ ai đi vừa chiếc hài thì vua sẽ lấy làm vợ.
Lệnh vừa được truyền ra, các cô gái vô cùng nao nức. Ai cũng mong mình được thử hài trước. Dĩ nhiên mẹ con của Cám cũng chen chân vào có mặt để thử cùng các cô gái khác, nhưng chẳng có người nào mang vừa.
Đến khi Tấm đặt chân vào hài thì vừa vặn như in. Nàng mở khăn lấy luôn chiếc thứ hai đi vào. Hai chiếc giống nhau như đúc. Bọn lính hầu hò reo vui mừng.
Lập tức, vua sai đoàn thị nữ rước nàng vào cung để tấn phong làm Hoàng hậu. Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con Cám.
Tuy sống sung sướng trong hoàng cung, nhưng Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha nên xin vua về thăm nhà.
Nhìn thấy gương mặt Tấm rạng ngời, quần áo võng lọng cao sang. Mẹ con Cám ganh tỵ vô cùng, bà ta nói với Cám:
- Mẹ sẽ tìm cách cho con thế vào ngôi hoàng hậu. Con hãy tin vào mẹ!
Bà giả vờ vui vẻ, ân cần nói với Tấm:
- Cha con lúc sinh thời rất thích ăn trầu, nhưng hôm nay mẹ mua mà chợ không có cau. Trước đây con quen trèo cau, nay con hãy trèo lên hái lấy một buồng để cúng cho cha con vui lòng.

Tấm rất thương cha nên đồng ý ngay, nàng thay áo quần leo lên cây cau. Đợi cho nàng trèo đến ngọn, bà dì ghẻ vội lấy rựa chặt gốc cây cau.
Tấm thấy cây rung chuyển quá thì hốt hoảng hỏi vọng xuống:
- Dì làm gì dưới gốc cây thế?
- Gốc cây lắm kiến, dì đuổi chúng đi ấy mà! Để cho nó khỏi lên đốt con.
Tấm chưa kịp hái lấy buồng cau thì cây đã đổ, ngã lộn cổ xuống ao chết ngay. Mụ dì ghẻ liền lấy áo quần của Tấm cho Cám mặc rồi đưa vào cung, nói dối với Vua là Tấm bị chết đuối, đưa em vào thế chị.
Vua nghe nói trong bụng không vui, song vì thương Tấm nên đành phải cho Cám vào cung.
Một hôm, Cám đang phơi áo nhà vua thì có con chim Vàng Anh bay đến hót:
- Phơi áo chồng tao, phơi lao, phơi sào. Chớ phơi hàng rào rách áo chồng tao.
Nhà vua đang nhớ Tấm, vừa đi đến thì nghe tiếng chim hót liền bảo:
- Vàng Ảnh Vàng Anh! Có phải vợ anh! Chui vào tay áo!
Lạ lùng thay, chim lập tức bay vào tay áo nhà vua. Từ đó nhà vua mê mãi chơi với chim, không đoái hoài gì đến Cám.
Cám tức lắm về nhà méc với mẹ, bà mẹ xúi Cám tìm bắt và giết chim, ném lông ra sau vườn. Chỗ ấy liền mọc lên một cây xoan, mỗi khi nhà vua đi đến, cây xoan cúi mình xuống xòe tàn che bóng cho vua. Cám căm tức liền sai quân đốn cây xoan ấy làm khung cửi rồi đốt đi, rắc tro ra ngoài thành. Chỗ ấy lại mọc lên một cây thị, đến mùa chỉ đậu có một quả.
Hôm nọ có bà lão bán hàng nước ở gần đó đi ngang qua, thấy quả thị thơm quá, liền giơ bị ra và nói lẩm bẩm:
- Thị ơi thị hỡi, rụng vô bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn...
Bà lão vừa dứt lời thì quả thị rụng ngay xuống đúng vào bị. Bà nâng niu đem về nhà, cất trong buồng, thỉnh thoảng lại vào ngắm nghía và ngửi mùi thơm.
Một hôm bà lão đi bán về, ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh tượng trong nhà:
- Lạ nhỉ! Ai lại nấu cơm dọn sẵn cho mình thế này? Nhà cửa lại quét dọn ngăn nắp sạch sẽ nữa... Lạ quá!

Từ đó ngày nào về bà cũng thấy như vậy. Lòng vô cùng thắc mắc, bà nghĩ:
- Mình phải theo dõi xem ai lại giúp mình như thế! Chắc chắn thế nào cũng sẽ tìm ra...
Hôm sau bà giả vờ đi bán rồi đáo trở về nhà, ngồi núp ở cửa. Bà thấy chỗ chiếc hũ đựng trái thị có một cô gái bé nhỏ chui ra, trong chớp mắt cô bé ấy hóa lớn thành ra cô Tấm. Cô đi dọn dẹp và nấu cơm. Bà lão không thể chờ hơn được nữa, tông cửa chạy vào ôm choàng lấy cô:
- Bà giữ được con rồi! Không được đi đâu nữa đấy!
Rồi bà vội tìm trái thị xé vụn ra, không cho Tấm ẩn vào nữa:
- Con hãy cứ ở đây với ta, và hãy xem ta như mẹ của con vậy! Một mình mẹ ở đây buồn lắm, đừng từ chối mẹ nhé!
Từ đó hai mẹ con sống với nhau rất là đầm ấm. Ngày ngày Tấm lo việc nhà và têm trầu cho bà đi bán.
Nhà vua vì buồn quá nên thường ra ngoài cung đi dạo. Một hôm khi đi ngang qua hàng nước của bà, nhà vua dừng lại nói với đoàn tùy tùng:
- Ta vào đây uống chén chè xanh cho mát đã!
Khi dâng nước xong, bà lão vội đem trầu dâng vua. Nhà vua ngạc nhiên nhìn miếng trầu têm hình cánh phượng, giống hệt như Tấm ngày xưa, nên vội hỏi:
- Trầu này ai têm mà khéo thế?
Bà lão liền thưa:
- Muôn tâu hoàng thượng, trầu này do con gái của già têm.
- Bà mau gọi con gái ra đây cho ta gặp gấp! Chỉ có vợ ta mới têm trầu khéo như thế này thôi...!
Bà lão liền quay về dẫn cô gái đến, nhà vua ngẩn ngơ kêu lên:
- Chính là nàng Tấm vợ ta đây mà! Có phải thế không? Sao lâu nay nàng bỏ ta mà đi, không một lần trở về?
Tấm cúi đầu không đáp. Nghe bà lão kể lại đầu đuôi câu chuyện, nhà vua vui mừng ôm Tấm và đưa nàng trở về cung.

Thấy Tấm trở về xinh đẹp hơn xưa, Cám sợ hãi vội lân la làm hòa với Tấm. Cô ta hỏi:
- Chị Tấm ơi! Sao da chị trắng thế? Chị có cách gì chỉ cho em với!
Tấm mỉm cười độ lượng, nàng nói giỡn với Cám:
- À nhờ chị tắm bằng nước sôi đấy!
Ngờ đâu Cám tưởng thật liền đun một chảo nước sôi để tắm. Thế là hết đời của một kẻ gian manh.
Ở trong cung, Cám bị rất nhiều người oán ghét vì thói kênh kiệu của cô ta, nên họ bàn nhau đem xác Cám làm mắm rồi bỏ vào chĩnh gửi về biếu bà mẹ độc ác, bảo rằng đây là quà của Cám gửi tặng. Bà mẹ tưởng thật, ngày nào cũng đem mắm ra ăn rồi khen:
- Thiệt là ngon, con mình làm mắm khéo quá!
Một con quạ nghe mùi người chết từ đâu bay đến nóc nhà kêu rằng:
- Ngon ngỏn ngòn ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng!
Mụ ta giận dữ, đuổi quạ đi, nhưng khi nhìn vào chỉnh thấy đầu con mình thì lăn đùng ra chết, thật đáng đời một kẻ gian tham và ác độc...

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2006

Sự tích trầu cau


Ngày xưa, một nhà nọ có hai anh em ruột tên là Tân và Lang. Cả hai giống nhau như đúc, đặc biệt đến cả dáng người và giọng nói cũng hệt như nhau, đến nỗi ngay chính người trong nhà cũng thường hay nhầm lẫn.
Hai anh em rất thương yêu nhau, kính trên nhường dưới khiến mọi người trong làng đều khen ngợi.
Cha họ là một người cao to nhất làng, đã từng được vua Hùng triệu về Phong Châu ban thưởng vì có công với nước nhà. Vua còn đặt tên cho ông là Cao. Từ đó gia đình ấy lấy tiếng Cao làm tên họ.
Hai anh em lớn lên thì cha mẹ nối tiếp nhau qua đời. Cả anh lẫn em quyến luyến với nhau không rời nửa bước.
Người cha trước khi nhắm mắt có gửi gắm Cao Tân cho một thầy đồ họ Lưu, nhưng khi người anh đi học, người em cũng nhất quyết theo anh, không chịu ở nhà một mình.
Cao Tân bèn năn nỉ thầy cho em cùng đến học với mình cho có bạn. Thấy tình cảm anh em quyến luyến nhau như thế, thầy đồ cũng cảm động đồng ý cho hai anh em ở trọ lại nhà mình để tiện việc học hành.

Thầy đồ họ Lưu có một cô con gái xinh đẹp, vừa đến độ trăng tròn. Vốn mẹ mất sớm nên nàng là người quán xuyến trong nhà, mọi việc đều qua tay nàng.
Từ ngày hai anh em Cao Tân và Cao Lang đến học, nàng thường xuyên tiếp xúc với họ, nên lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, lòng nàng chợt xao xuyến và thường bâng khuâng nghĩ đến họ.
Rồi một hôm nàng nhận ra rằng tình yêu đã đến tự bao giờ, nàng không thể sống thiếu họ, song nàng vẫn cứ phân vân trong lòng, vì chưa thể phân biệt được ai là anh và ai là em.
Nàng thường tự hỏi mình:
- Họ giống nhau như hai giọt nước, ta làm sao phân biệt được ai là anh, ai là em nhỉ?
Cô gái liền nghĩ ra một cách. Hôm nọ thấy hai anh em đang đói, cô liền mời hai anh em ăn cháo, nhưng chỉ dọn ra một bát cháo và một đôi đũa, thử xem họ xử trí như thế nào.
Đứng sau khe vách, nàng thấy người này nhường người kia ăn trước.
Và thế là nàng đã nhận ra chàng trai kia là anh, và người nọ là em:
- Ồ, thế là mình biết rồi...

Kể từ ngày biết Cao Tân là anh, nàng đem lòng yêu và cũng từ đó, hai người thường trao đổi tình cảm với nhau.
Một thời gian sau, đám cưới được cử hành và Cao Tân rước vợ về nhà.
Cao Lang cũng không muốn xa anh nên tuy anh đã có vợ, chàng vẫn về sống chung với anh mình.
Không theo nghiệp thi cử, ngày ngày hai anh em ra đồng làm ruộng sinh sống, tối đến cùng trở về nhà.
Vợ Cao Tân hôm nào cũng ra đón chồng đi làm về, họ sống với nhau rất hòa thuận vui vẻ.
Tuy nhiên, Cao Lang đôi lúc cũng cảm thấy buồn lòng, vì trước kia thường được anh âu yếm chăm sóc, nhưng từ khi có vợ, Cao Tân trở nên lợt lạt với em mình, không còn đậm đà như trước.
Cao Lang buồn lắm, nhiều khi muốn gần anh nhưng thấy anh hay lánh mình, không còn thân thiết nữa:
- Phải rồi, anh ấy mê vợ quên ta... Ta đâu còn là em ruột của anh ấy nữa.
Trong lòng Lang đầy chán nản và buồn bực, nhiều lúc muốn bỏ đi đâu thật xa để cho khỏi đối mặt với cái lạnh nhạt mà trước đây chưa hề có...

Một hôm, hai anh em lên nương làm rẫy đến tối mịt mới xong việc.
Người em nhanh chân nên về trước, chàng vừa bước qua ngưỡng cửa, chưa kịp buông cuốc xuống thì người chị dâu tưởng nhầm đó là chồng mình, từ trong buồng chạy ra ôm chầm lấy Cao Lang và nói:
- Em biết mà! Thế nào chàng cũng về sớm! Em đã đứng đây chờ chàng lâu lắm rồi!
Cao Lang hốt hoảng, miệng ú ớ không nói thành lời, đẩy chị dâu ra:
- Ơ... ơ... Không!... Không phải...
Cái ôm nhầm của chị dâu làm cả hai cùng ngượng nghịu và xấu hổ. Đúng lúc đó thì Cao Tân về đến, chàng nói:
- Anh mới là chồng em kia mà! Sao em lại có thể lầm lẫn như vậy?
Cao Lang ân hận vì sự vô ý của mình, chàng bèn nói:
- Chị ấy nhầm thôi chứ đâu có ý gì...
Vợ Tân thấy ngại ngùng quá, bẽn lẽn bỏ vào phòng.
Từ đây Lang lại biết thêm một tính tình mới của anh, đó là Tân ghen với chàng. Cái ghen càng làm tăng thêm sự hững hờ giữa hai người.
Người em vô cùng buồn bã. Giữa canh khuya thức dậy nghĩ ngợi trong lòng:
- Anh Cao Tân đã không tin ta, nếu ta còn ở đây thì hạnh phúc của anh ta sẽ bị tan vỡ, xóm làng tưởng thật lại cười chê. Thôi, ta đành phải ra đi để chứng minh cho lòng trong sạch của mình và giữ tình anh em vẹn toàn.
Nghĩ vậy, Cao Lang âm thầm chuẩn bị chờ lúc thuận tiện để ra đi.

Nhân lúc trời còn mờ mờ sáng, chàng liền cất bước ra khỏi nhà mà lòng nặng trĩu nỗi buồn. Từ đây hai anh em phải xa cách biết đến khi nào gặp lại?
Cao Lang cứ theo con đường mòn đi mãi, đi mãi... trong lòng vừa bực bội vừa oán trách, ròng rã mấy ngày đường mà chẳng biết mình phải dừng chân lại nơi đâu. Cuối cùng đến một giòng sông rộng. Nhìn nước sông chảy xiết, Cao Lang chỉ biết than thở:
- Sông rộng thế này làm sao mình qua được đây?
Chung quanh không một bóng người, không nghe qua một tiếng gà gáy, chó sủa, song Lang vẫn không chịu quay trở về, chàng ngồi bên bờ sông vắng khóc than cho số phận của mình...
Trong lòng buồn đau, vì đâu mà anh em ruột thịt phải đành chia lìa như thế, còn đâu những ngày êm ấm xưa kia... Cứ nghĩ đến là Cao Lang cúi gục đầu ôm mặt khóc mãi, khóc mãi... không màng đến việc ăn uống.
Chàng khóc mãi... đến nỗi những con chim đi kiếm ăn khuya vẫn còn nghe tiếng nức nở ai oán của chàng...
Sáng hôm sau thì không còn nghe tiếng nức nở nữa, Cao Lang giờ đây chỉ còn là một cái xác không hồn, chàng đã hóa thành một tảng đá nằm chơ vơ bên vệ đường cạnh bờ sông rộng.
Riêng Cao Tân, sáng ra thức dậy thì thấy mất hút em, thoạt đầu không để ý, nhưng mãi sau vẫn không thấy em về nên lo lắng, chạy bổ đi tìm các nhà người quen nhưng cũng không thấy tăm dạng em đâu.
Biết là em bỏ đi vì giận mình, chàng lấy làm hối hận:
- Tại ta không suy nghĩ kỹ, trách lầm em đến nỗi em bỏ nhà ra đi. Ta không thể bỏ mặc em một mình được, phải đi tìm ngay thôi!
Nghĩ vậy nên Cao Tân để vợ ở lại nhà, cất bước đi tìm em.

Sau mấy ngày, Cao Tân cũng đến bên bờ một con sông rộng, chàng bỗng gặp một tảng đá có hình người:
- Ồ! Lạ quá! Sao tảng đá này lại giống hình dáng của Cao Lang thế kia!
Nói rồi chàng bật khóc òa lên:
- Trời ơi! Đây chính là em mình rồi! Cao Lang em ơi! Em hãy tha lỗi cho anh!
Cao Tân hối hận ôm tảng đá khóc lóc thảm thiết, khóc mãi cho đến lúc chỉ còn có tiếng nước cuồn cuộn chảy dưới bờ mà thôi. Tân chết và hóa thành một cây lạ, thân mọc thẳng lên trời, đứng bên cạnh tảng đá che bóng mát cho em.
Ở nhà người vợ trông chồng mỏi mòn, chờ mãi vẫn không thấy chồng về. Nàng cũng vô cùng hối hận, vì sự vô ý của mình mà chia lìa tình anh em của Cao Tân và Cao Lang.
Rồi không thể chờ lâu hơn được nữa, người vợ quyết định lên đường đi tìm chồng.
Nàng đi khắp nơi, hang cùng ngỏ hẻm nào cũng không từ, nhưng bóng dáng Cao Tân mịt mờ không thấy đâu cả.
Vì thương chồng nên nàng không nản chí, tiếp tục ra đi, cho dù nắng mưa vẫn không sờn lòng, nàng cứ đi, đi mãi.
Rồi chẳng hiểu vô tình hay định mệnh đưa đẩy, nàng cũng đi đúng con đường mà em chồng và chồng nàng cùng đi.
Khi đến bờ sông, nhìn quanh không một bóng người, không một làng mạc nào gần bên, chỉ thấy một cây lạ mọc thẳng đứng bên cạnh tảng đá mà thôi.

Người vợ mệt mỏi ngồi xuống tảng đá, tựa vào cây lạ ấy mà nghỉ mệt.
Lạ thay, khi dựa vào cây ấy, nàng nghe như có hơi ấm của chồng, bao nhiêu hình ảnh đầm ấm ngày xưa lại hiện ra trong trí nàng, càng nhớ bao nhiêu nàng càng hối hận bấy nhiêu.
Nàng quyết định ở lại bên bờ sông vắng ấy để chờ chồng. Cứ mỗi lần ôm cây lạ, nàng lại tưởng như được ôm chồng mình trong vòng tay.
Rồi như không dằn được niềm thương cảm đang trào dâng, nàng bật khóc thảm thiết, chẳng màng gì đến việc ăn uống.
Nước mắt khóc chồng càng ngày càng cạn lần, sự nhớ mong trong cô quạnh khiến nàng kiệt sức, và rồi nàng cũng chết theo chồng.
Trời xanh cảm động tình yêu ấy nên đã biến nàng thành một loại cây dây leo, quấn quanh thân cây lạ kia.
Thấy ngôi nhà của anh em họ Cao bỗng trở nên hoang vắng khiến dân làng lấy làm lạ.
Họ cùng thầy đồ chia nhau đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng không hề thấy có dấu vết gì của ba người.
Cuối cùng dân làng tìm đến bên giòng sông rộng ấy và phát hiện ra tảng đá và hai loài cây lạ, họ chỉ còn biết dựng lên một ngôi miếu thờ cả ba người trẻ tuổi ở ven sông.
Thấy anh em yêu thương nhau nên dân làng cảm động, họ đặt tên miếu là “Anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa”.
Những năm trời làm hạn hán, mọi cây cỏ đều héo úa, nhưng riêng hai cây mọc bên cạnh hòn đá trước miếu vẫn xanh mượt, người ta cho đó là điều dị thường.
Một hôm nhà vua đi ngang qua miếu, ngạc nhiên khi thấy cây lạ cảnh lạ, nhà vua liền hỏi:
- Ồ! Miếu này thờ vị thần nào nhỉ? Phía trước lại có một tảng đá hình người, lại còn có một cây lạ được một dây leo quấn quanh. Ta chưa từng thấy chúng bao giờ? Lạ thật!
Quan quân liền cho gọi mấy cụ già ở quanh vùng đến hỏi.

Các vị bô lão ấy liền kể câu chuyện thương tâm của gia đình nhà họ Cao cho vua nghe.
Nhà vua nghe xong vô cùng cảm động liền vạch lá trèo lên đá nhìn khắp nơi và sai lính hái quả xuống nếm thử. Người lính ăn xong nói với vua:
- Muôn tâu bệ hạ, ăn một mình thì nó chát chát, không có gì lạ. Nhưng ăn kèm chung với lá dây leo kia thì có vị ngọt, thơm cay cay...
Đột nhiên có một viên quan hầu la lên:
- Trời ơi, máu!
Mọi người giãn ra, kinh hãi nhìn xuống...
Thì ra những bãi nước nhai quả và lá của hai thứ cây đó một khi nhổ xuống đá bỗng hòa tan ra thành màu đỏ ối tựa như máu vậy.
Vua sai lấy cả ba thứ nhai lẫn với nhau thì tự nhiên người ta thấy nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi, sắc mặt hồng hào tươi đẹp, khi nhổ ra có màu đỏ như máu. Thấy vậy vua liền bảo:
- Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu của họ thật nồng nàn thắm đỏ.
- Tâu Bệ hạ, đúng như lời Ngài nói, quả thật đây là loại cây lá tượng trưng cho anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.
Nhà vua kết thúc câu chuyện:
- Như vậy điều này nói lên tình yêu của họ lúc nào cũng nồng thắm như mùi vị của những thứ này!
Người ta gọi tên cây lạ mọc thẳng vươn cao là cây cau, còn dây lá quấn quanh cây cau là lá trầu.
Riêng tảng đá giúp cho trầu cau ăn vào thêm nồng thắm gọi là vôi.
Rõ ràng người em đã chứng minh cho mọi người biết mình không hề có ý chia cắt tình chồng vợ, mà còn làm cho tình yêu ấy thêm nồng thắm và hạnh phúc bên nhau hơn nữa.
Từ đó nhà vua ra lệnh cho dân chúng mọi nơi phải gây giống ra nhiều cho hai loại cây ấy.
Vua còn ban luật bắt buộc trai gái khi kết hôn thế nào cũng phải tìm cho được ba món: Trầu, cau và vôi, để mọi người cùng thưởng thức hương vị nồng ấm của tình yêu không bao giờ phai lạt ấy, đồng thời nhớ đến mối tình của Cao Tân và vợ chàng.
Tục này lưu truyền cho đến ngày nay, và vợ chồng khi kết hôn với nhau cũng thường được gọi là đôi Tân Lang để nhớ đến anh em nhà họ Cao xưa kia....

Thiếu phụ Nam Xương


Ngày xưa, ở làng Nam Xương, có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Biết bao chàng trai làng bên dòm ngó, nhưng nàng không rung động một ai, bởi vì trong trái tim nàng đã có bóng hình của chàng Trương Sinh vốn là người cùng làng.
Hai người đã thề non hẹn biển sống với nhau cho đến đầu bạc răng long.
Thế rồi mọi chuyện đều diễn ra như ý muốn, đôi bên cha mẹ rất bằng lòng xe duyên cho họ.
Rồi nàng trở thành vợ chàng Trương dưới sự chứng kiến của họ hàng đôi bên.
Tuy đã có chồng, nhưng nàng vẫn đẹp như xưa, có rất nhiều chàng trai tưởng lầm nàng chưa chồng nên hay buông lời chọc ghẹo.
Việc này làm cho chàng Trương nổi máu ghen tuông hay xét nét vợ.
Nàng nghĩ vì chồng quá yêu nàng nên không lấy đó làm buồn, mà càng giữ gìn khuôn phép, đi thưa về trình và tránh xa những lời chọc ghẹo của bọn trai làng hơn nữa, nên vợ chồng chẳng có chuyện gì xảy ra.
Hai người sống rất hạnh phúc cùng với người mẹ già trong mái nhà tranh.
Vợ chồng hương đượm lửa nồng chưa được bao lâu thì bỗng nghe tin chốn biên thùy có giặc.
Mọi người đang ở trong tâm trạng lo âu thì một ngày kia, triều đình phát loa rao truyền tuyển quân vang lên khắp xóm:
- Loa loa... Toàn dân nghe cho rõ đây! Quân giặc ngang nhiên tràn qua biên giới xâm lược nước ta. Vì vậy tất cả đàn ông trai tráng trong làng phải lên đường làm nghĩa vụ của những người yêu nước để giữ yên bờ cõi nước nhà.

Nhận được tin, ai nấy đều vâng lệnh, chuẩn bị lên đường.
Chàng Trương Sinh cũng không ngoài số đó, vâng lệnh vua, từ giã mẹ già cùng người vợ trẻ, lên đường làm nghĩa vụ của người con trai trong thời chiến.
Buổi chia tay thật bịn rịn, lòng chàng Trương rối bời xen lẫn lưu luyến khi bỏ lại người mẹ già và người vợ đang bụng mang dạ chửa.
Nhưng người mẹ đã khuyên chàng hãy vững lòng ra đi đánh giặc, chúc cho con chân cứng đá mềm để sớm đoàn tụ cùng gia đình. Còn chàng Trương thì chỉ biết nhắn nhủ vợ gắng phụng dưỡng mẹ già và nuôi con khôn lớn.
Sau khi chàng Trương chưa đi được bao lâu thì Vũ Thị Thiết sinh được một đứa con trai thật kháu khỉnh. Hai mẹ con đặt tên cho nó là Đản.
Thằng bé sởn sơ mạnh khỏe khiến hai mẹ con cũng đỡ nỗi buồn cô quạnh. Mỗi khi nhớ đến chàng Trương thì chỉ cần nhìn thằng Đản là vơi nỗi buồn, vì nó giống cha như tạc.
Tối tối bà cháu quay quần bên ngọn đèn dầu tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp đẽ, đầy sự ấm áp của một gia đình, cho dù thiếu bóng người chồng đang chinh chiến phương xa.
Thế rồi thời gian trôi qua, Vợ chàng Trương biến nỗi nhớ mong thành hành động để lo cho mẹ già và đứa con thơ, nên dù nhớ thương chồng, nàng vẫn vững dạ chờ mong.
Riêng người mẹ chồng vì tuổi già sức yếu, lại thêm nỗi buồn không gặp lại con khiến bà ngã quị.

Người thiếu phụ luôn nhớ lời chồng dặn dò nên hết lòng thuốc thang. Nhưng bệnh của bà ngày càng một nặng, chẳng bao lâu bà qua đời.
Nhờ bà con xóm làng hết lòng giúp đỡ nên việc ma chay cũng chu toàn mọi bề.
Còn lại hai mẹ con, người thiếu phụ cảm thấy buồn và cô đơn, nhưng sức mạnh của tình yêu khiến nàng quyết tâm đứng vững.
Ngày ngày gánh con ra đồng, để con trong thúng ngồi chơi một mình, còn nàng xuống ruộng lo việc cày cấy, làm lụng nuôi con.
Mấy mùa thu qua, bóng chàng Trương vẫn bặt vô âm tín, người thiếu phụ mỏi mòn vì trông đợi, nhưng rồi nàng cũng gắng sức giấu nỗi thất vọng vào lòng để lo cho con và hương khói cho mẹ chồng làm tròn bổn phận của dâu con.
Mỗi khi đêm về, vợ chàng Trương mới có thời gian để may vá và chơi đùa với con. Những lúc đứa bé khóc hỏi cha đâu, thì nàng thường chỉ vào bóng của mình trên vách và bảo:
- Nín đi con! Kìa bố đã về. Đấy! Đấy!
Đứa bé nhìn vào bóng mẹ trên vách, tưởng là cha thật nên nín khóc.
Cứ như thế lâu dần thành thói quen. Thằng Đản thường đòi gặp bố trước khi đi ngủ. Cái bóng đen đen trên tường từ đấy đối với cả mẹ lẫn con trở thành một hình dáng thân quen, như là một người thân thích vậy.

Rồi chiến tranh cũng phải có lúc chấm dứt, cõi biên thùy lại bình yên như xưa. Những người lính được trở về quê quán của mình. Trương Sinh cũng được nằm trong số đó.
Dưới bóng cờ khải hoàn, mọi người cùng nhau lên đường trở về, mặt ngời lên niềm vui không tả xiết.
Bao tháng ngày lưu lạc phương xa, dầm mưa giãi nắng, nay được đoàn tụ cùng gia đình, nào ai không hoan hỉ và nô nức gặp lại người thân?!
Chàng Trương còn nôn nóng hơn vì qua mấy năm mà chưa hề gặp mặt con.
Sau bao năm tháng ly biệt vì chiến chinh, nay hai vợ chồng gặp lại nhau ở đầu làng, mừng mừng tủi tủi.
Chàng đau lòng vì mất người mẹ thân yêu, nhưng có niềm vui bù lại khi có đứa con trai bụ bẫm.
Thằng Đản bây giờ đã lên ba tuổi, và đã biết nói bập bẹ. Tuy nó vẫn để cho bố bồng bế, nhưng dường như vẫn có cái gì đấy xa lạ...
Chàng Trương không buồn vì cho rằng đó là điều tự nhiên, vì chàng vắng nhà và xa con lâu quá nên làm sao nảy sinh tình cảm thân thiết được?
Qua ngày hôm sau, Trương Sinh hỏi mộ mẹ rồi bế con đi thăm. Ra đến đồng, thằng Đản quấy khóc, chàng Trương dỗ dành:
- Con nín đi, đừng khóc, bố yêu, rồi bố mua quà cho mà ăn.
Thằng bé đáp ngay:
- Ông không phải là bố Đản... bố Đản khác kia... Chỉ đến tối bố mới đến nhà.
Nghe con nói, Trương Sinh thấy đau nhói ở tim. Chàng ngạc nhiên rồi nhìn con hỏi dồn:
- Thế thì bố của Đản như thế nào? Con nói đi!
Thằng Đản ngây thơ đáp:
- Tối nào bố Đản cũng đến... Mẹ Đản đi thì bố cùng đi, mẹ Đản ngồi thì bố cùng ngồi... nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

Mấy lời vô tình của con trẻ làm cho Trương Sinh tin là vợ mình ngoại tình, không còn nghi ngờ gì nữa.
Máu trong đầu bốc lên, lòng đau đớn vì bị phản bội, không ngờ người vợ thùy mị nết na của mình lại đem lòng phản trắc khi chồng vắng nhà vì phải lo việc chinh chiến để bảo vệ tổ quốc.
Càng nghĩ Trương Sinh càng giận, thắp hương xong, chàng vội vàng trở về nhà.
Trong khi ấy thì ở nhà, lòng người thiếu phụ như nở hoa, vì tất cả mọi việc nàng làm đều đầy ắp niềm vui sướng khi được đón chồng trở về.
Nàng định bày ra một bữa cơm thịnh soạn mừng ngày đoàn tụ cùng chồng.
Nhưng người vợ chẳng thể ngờ được là lòng Trương Sinh đang dậy sóng, cứ nghĩ đến người vợ xinh đẹp trong tay kẻ khác thì cơn ghen bừng bừng bốc lên.
Chàng lẩm bẩm:
- Thật là quá rõ. Không ngờ trong khi mình gian lao ở ngoài biên ải... Thế mà ở nhà lại còn...
Vừa thấy bóng Trương Sinh từ xa, người vợ vội vàng bước ra đón, tưởng rằng sẽ tìm thấy niềm hoan hỉ trong ngày đoàn tụ.

Nhưng không ngờ đụng phải bộ mặt hầm hầm của chồng, và nàng chưa kịp hỏi thì chàng Trương đã chỉ mặt nàng rít lên:
- Tao không ngờ mày là đồ thất tiết, chồng đi vắng, tối tối lại rước trai về nhà.
Vợ chàng Trương bất ngờ trước lời buộc tội của chồng, không hiểu do đâu mà lại nói như vậy, song nàng cũng cố nén lòng để phân trần giải nỗi oan này.
Nhưng chàng Trương nhất định không nghe, và cũng chẳng nói cho vợ biết là do miệng thằng Đản nói ra, cứ việc đổ tội cho vợ mình là kẻ ngoại tình đáng bị lên án. Người thiếu phụ chỉ biết vừa khóc vừa nói:
- Cách biệt ba năm, thiếp một lòng một dạ với chàng, đâu có phải là kẻ hư thân mất nết như lời chàng nói. Chàng đừng ngờ oan cho thiếp mà vương thêm tội.
Vợ càng nói thì chồng càng giận, rồi không thể kềm chế được cơn ghen hờn, chàng Trương bắt đầu dùng lối vũ phu tra khảo vợ thật là tàn nhẫn.
Nghe có tiếng la hét trong nhà Trương Sinh, mọi người trong làng rất đỗi ngạc nhiên, vì nỗi vui mừng đoàn tụ của đôi vợ chồng trẻ chưa tròn mà đã xảy ra xô xát, họ không thể làm ngơ, nên đã kéo đến nhà chàng Trương.
Khi nghe phân trần xong sự việc, tất cả đều bất bình can ngăn chàng Trương và nói tốt cho vợ chàng.
Nhưng chẳng ăn thua gì, chàng Trương bị cơn ghen làm mất cả lý trí, lại cho rằng vợ chàng khéo mồm khéo mép nên được lòng mọi người, chứ nhất quyết không tin đến lòng trung trinh của vợ.

Trong cơn phẫn uất, người thiếu phụ ôm ghì lấy con mà khóc, rồi biết chắc rằng không thể minh oan với chồng mình là người tiết hạnh trước sau cũng chỉ yêu một người, thì chỉ còn lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình mà thôi.
Bởi vậy nên nhân lúc chồng sang nhà hàng xóm, người thiếu phụ lạy tạ linh vị mẹ chồng rồi đặt con xuống, chạy một mạch ra bến Hoàng Giang trầm mình xuống nước tự vẫn.
Cánh hoa hương sắc đã gởi cho dòng nước xiết cuốn trôi...
Khi chàng Trương về nhà thấy mất hút bóng vợ thì biết có sự chẳng lành. Nghe mọi người chạy ra bến Hoàng Giang nói rằng có người tự vẫn thì hốt hoảng chạy ra theo. Không ngờ người ấy lại là vợ mình.
Chàng Trương vô cùng hối hận thuê người mò xác vợ, nhưng dòng nước chảy xiết mãi đến tối cũng chẳng thấy xác nàng đâu. Nước cuốn hoa trôi, làm sao tìm lại bóng dáng của người yêu dấu?! chàng Trương khóc lóc thảm thiết, ân hận về những gì mình làm cho vợ đau khổ đến nỗi phải tuẫn tiết.
Tối đến, thằng Đản lại khóc vì vắng mẹ, Trương Sinh thắp đèn lên rồi ngồi dỗ con thì không ngờ lúc ấy, thằng bé chợt kêu lên:
- Ồ, bố Đản đã đến kia kìa!

Chàng Trương ngạc nhiên hỏi:
- Đâu con? Bố Đản đâu?
Thằng Đản chỉ vào bóng chàng trên vách mà nói:
- Đấy! Đấy! Chính là bố Đản đấy!
Trương Sinh ngẩn người ra khi nghe thằng Đản nói, chàng nhớ lại lời con khi đi thăm mộ, bây giờ mới chợt hiểu ra sự thật này thì đã muộn.
Giờ đây biết được nỗi oan tày trời của vợ, chỉ vì lòng ghen tuông nóng nảy của mình mà ra, nhưng đã muộn mất rồi, người thiếu phụ đức hạnh đã quyên sinh, còn làm gì được nữa?
Trương Sinh chỉ còn biết ngày ngày bồng con ra bến Hoàng Giang, nhìn xuống dòng sông mà khóc.
Quá hối hận và cũng không biết làm sao để chuộc lại lỗi lầm của mình, nên từ đó về sau, chàng Trương không lấy vợ khác, ở vậy nuôi con, và đêm ngày nhang khói cho nàng hầu mong nàng ở chốn tuyền đài tha thứ cho mình.
Về sau, người trong làng thương nhớ nàng, cho nàng là người trung liệt, nên đã dựng một cái miếu để thờ ngay trên bến Hoàng Giang.
Miếu này thờ bà Vũ Thị Thiết, quen gọi là Miếu Vợ Chàng Trương.
Vua Lê Thánh Tông đã có lần ngự lãm qua đây và biết được câu chuyện về một người nữ tiết hạnh nên đã cảm thán đặt một bài thơ:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng...

Thạch Sanh - Lý Thông


Ngày xưa ở quận Cao Bình có hai vợ chồng sống bằng nghề đốn củi, họ là người tốt lành nên Ngọc Hoàng sai thái tử xuống đầu thai làm con. Từ đó người vợ có mang, nhưng mang thai đã lâu mà vẫn chưa sinh nở. Mãi đến khi người chồng bị bệnh chết đi thì người vợ mới sinh được một đứa con trai tên là Thạch Sanh.
Thằng bé khôn lớn thì người mẹ cũng qua đời. Nó sống dưới gốc cây đa, và phải lên rừng đốn củi nuôi thân. Ngọc Hoàng thương Thạch Sanh nên phái một vị thần xuống dạy cho chàng đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.
Một hôm có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua đó, nghỉ ở gốc cây đa. Gã thấy Thạch Sanh vừa mang về một gánh củi lớn tướng mà vẫn tỉnh bơ như không, chẳng biết nặng nhọc là gì, gã liền nghĩ bụng:
- Người này khỏe như voi. Nếu nó về ở cùng ta thì lợi biết chừng nào.
Nghĩ vậy, Lý Thông tìm cách lân la gạ chuyện rồi đòi kết làm anh em.
Thấy có người lạ tự nhiên săn sóc đến mình, Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời. Sau đó, chàng từ giã gốc đa đến sống chung dưới mái nhà họ Lý.
Nhà Lý Thông vốn chuyên cất rượu. Thạch Sanh đến ở chung, mẹ con hắn quả được một tay đỡ đần rất tốt.
Bấy giờ trong vùng đó có một con Chằn Tinh, có nhiều phép biến hóa thường quấy rối dân chúng. Quan quân nhiều lần đến định diệt trừ nhưng không thể làm gì được. Cuối cùng hằng năm phải cống cho nó một mạng người để nó đỡ phá phách.

Năm ấy đến lượt nhà Lý Thông phải nạp người. Mẹ con hắn hoảng hốt lo sợ, nhưng sau đó nghĩ ra được một mưu để lừa Thạch Sanh đi chết thay.
Chiều hôm ấy, Lý Thông chờ lúc Thạch Sanh đi kiếm củi về, dọn một mâm rượu thịt ê hề mời ăn, rồi bảo:
- Đêm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, ngặt vì đang lỡ cất mẻ rượu, vậy em chịu khó đi ra miếu thay cho anh một đêm, rồi sáng về.
Thạch Sanh nhận lời đi ngay. Nửa đêm hôm ấy, Thạch Sanh đang ngủ thì Chằn Tinh hiện ra. Thạch Sanh cầm búa đánh lại. Yêu quái bị giết, hiện nguyên hình là một con trăn lớn. Chàng vội chặt lấy đầu và nhặt bộ cung tên bằng vàng của yêu quái xách về.
Canh ba đêm ấy, lúc mẹ con Lý Thông đang ngủ, bỗng nghe tiếng Thạch Sanh gọi cửa, hai người hốt hoảng thức dậy, ngờ là oan hồn của chàng hiện về liền van lạy rối rít xin tha mạng.
Nhưng khi thấy rõ là chàng còn sống và nghe kể lại chuyện giết Chằn Tinh thì gã Lý Thông gian manh lại nảy ra một kế khác. Gã liền nói:
- Trời ơi, Con trăn ấy là của nhà vua nuôi đã lâu. Nay em bắt giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng, em hãy lo trốn ngay đi! Có chuyện gì để mặc anh ở nhà lo liệu!
Nghe nói thế, Thạch Sanh kinh hoàng trốn đi ngay lập tức. Chàng trở lại túp lều ngày xưa bên gốc đa kiếm củi nuôi thân như cũ.
Lý Thông hớn hở đem đầu chằn tinh vào cung, khoe là mình giết được. Vua khen ngợi và phong hắn làm đô đốc.

Trong thời gian ấy, Công chúa con vua đã đến tuổi cập kê, có rất nhiều hoàng tử đến cầu hôn, nhưng công chúa không vừa ý ai, nên nhà vua lập hội kén rể.
Đang lúc sửa soạn gieo cầu thì bỗng một con đại bàng khổng lồ bay ngang qua, xà xuống bắt nàng đi mất.
Lúc bấy giờ Thạch Sanh đang ngồi dưới gốc cây đa, tình cờ thấy con đại bàng bay ngang qua, chân có cắp một người con gái. Sẵn cung tên vàng trong tay, chàng giương lên bắn theo một phát, mũi tên bay vút đến trúng ngay vào cánh con đại bàng.
Nó đau quá, đành phải hạ xuống, cắn răng nhổ mũi tên đi, rồi lại tha công chúa về hang.
Thạch Sanh lần theo vết máu rơi vung vãi trên mặt đất, tìm được chỗ ở của đại bàng là một cái hang nằm trên triền núi hiểm trở ở gần đấy.
Thấy con bị mất tích, nhà vua xiết bao đau đớn, vội sai đô đốc Lý Thông đi tìm, nếu tìm được thì hứa sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho.
Lý Thông vừa mừng vừa sợ, không biết phải tính thế nào. Cuối cùng hắn nghĩ may ra chỉ có người em kết nghĩa hiền lành kia mới có thể gỡ bí cho mình.

Thấy Lý Thông nói đến việc tìm công chúa, Thạch Sanh thật thà kể lại chuyện mình bắn Đại Bàng cho hắn nghe.
Lý Thông mừng như bắt được vàng, lập tức nhờ chàng dẫn đường cho quân lính tiến đến hang đá.
Cửa hang ăn thông xuống lòng đất sâu thăm thẳm, không một tên lính nào dám xuống.
Thấy vậy, Thạch Sanh tình nguyện buộc dây vào lưng mình cho quân lính dòng xuống hang để thám thính.
Đại Bàng từ hôm bị thương về nằm liệt một chỗ, bắt công chúa phục dịch.
Thạch Sanh xuống đến nơi, ẩn vào một xó, chờ lúc công chúa một mình đi ngang qua, chàng mới ra hiệu cho nàng biết là có người đến cứu.
Thấy người con trai lạ kia liều chết cứu mình, công chúa vô cùng cảm phục.
Thạch Sanh nghĩ không dễ gì hạ Đại Bàng ngay được nên cần phải lập mưu mới cứu công chúa được an toàn. Chàng lấy thuốc mê bảo nàng bỏ vào bình rượu chuốc cho hắn uống say.
Chờ lúc Đại Bàng ngấm thuốc ngủ mê, chàng yên tâm dẫn công chúa đến chỗ mình đu dây xuống.
Công chúa vô cùng cảm kích trước tấm lòng của chàng trai lạ, nàng chỉ muốn hai người cùng lên một lượt, nhưng Thạch Sanh ngại sợi dây không đủ chắc để cùng lúc mang cả hai người lên, nên chàng nhường cho công chúa lên trước.

Chàng buộc chặt công chúa ở đầu dây rồi ra hiệu cho quân binh của Lý Thông kéo nàng lên trước.
Công chúa đành phải nghe lời chàng mà lòng xốn sang, không nỡ chia ly với người đã cứu mình.
Vừa được đưa lên khỏi miệng hang thì Lý Thông bảo là tuân theo lệnh vua, lập tức hối thúc quân lính đưa nàng lên kiệu hồi cung.
Đợi công chúa đi khuất, Lý Thông liền thực hiện âm mưu thâm độc nhằm giành lấy công trạng này, vì nhà vua đã hứa sẽ thưởng công cho ai cứu được nàng.
Thạch Sanh đang chờ đến lượt quân binh thòng dây xuống kéo mình lên thì bất ngờ, dây đai đâu chẳng thấy, chỉ thấy đá từ trên miệng hang tuôn xuống ầm ầm như trời sập.
Chàng đâu có biết đó chính là âm mưu thâm độc của Lý Thông, hắn đã ra lệnh cho quân binh vần đá lớn lấp kín cửa hang và cấm bất kỳ người nào quay trở lại để cứu chàng.
Thạch Sanh mò mẫm tứ phía nhưng không tìm ra được lối thoát. Chàng vô cùng tức giận đập phá khắp nơi khiến cho Đại Bàng thức giấc.
Thấy người lạ, lại thấy mất công chúa, nó bừng bừng nổi giận, xông ra toan giết Thạch Sanh.
Nhưng nhờ phép mầu tiên ông dạy ngày xưa nên chàng vung búa chống lại Đại Bàng rất kịch liệt.

Đại Bàng vốn là con yêu tinh tu luyện lâu năm nên tinh thông võ nghệ, tuy bị thương nhưng hắn cũng còn rất mạnh mẽ. Hai bên đánh nhau kịch liệt, đá bụi bay tứ phía.
Thạch Sanh rất sung sức càng đánh càng mạnh. Yêu tinh mất sức nên yếu dần, chả mấy chốc chuốc lấy thất bại.
Sau khi giết được yêu tinh, Thạch Sanh đi lục lọi khắp mọi nơi trong hang, ngờ đâu gặp một người con trai bị nhốt trong củi sắt, thì ra đó chính là thái tử con Vua Thủy Tề.
Hỏi ra mới biết là cách đây hơn một năm, thái tử đi du ngoạn thì bị Đại Bàng bắt đem về nhốt tại đây. Chàng bèn dùng cung vàng bắn tan cũi sắt, cứu thái tử ra.
Thái tử hết lời cảm tạ và mời chàng xuống chơi thủy phủ.
Vua Thủy Tề sung sướng được gặp lại con, biết được Thạch Sanh là ân nhân của mình nên tiếp đãi chàng rất hậu.
Khi Thạch Sanh cáo từ ra về, vua Thủy Tề tống tiễn rất nhiều vàng ngọc, nhưng chàng không nhận, chỉ xin có mỗi một cây đàn. Rồi trở lại túp lều xưa sinh nhai bằng nghề cũ. Ngày ngày, chàng lên rừng kiếm củi mang ra chợ bán, đêm về mang cây đàn Vua Thủy Tề tặng ra khảy đôi câu giải buồn.
Thời gian trôi đi, tiếng đàn của Thạch Sanh ngày càng điêu luyện và sâu lắng, cuộc sống nhờ thế mà thêm vui.

Lại nói về Chằn Tinh và Đại Bàng sau khi chết, hồn chúng nó không được ai cúng tế, đành lang thang đi kiếm ăn.
Một hôm chúng tình cờ gặp nhau và kể cho nhau biết vì đâu mà có số phận long đong như thế này. Hai đứa liền bàn với nhau tìm cách báo thù Thạch Sanh cho bỏ ghét.
Chúng lẻn vào kho vua ăn trộm của cải rồi mang đến gốc đa để vu vạ cho chàng là kẻ ăn cắp. Thạch Sanh mãi lo đàn nên không hề hay biết.
Quả nhiên sau đó, bọn lính nội thị cứ theo dấu tìm đến gốc đa thì bắt được tang vật, Thạch Sanh không ngờ đến, chẳng biết thanh minh ra làm sao nên bị quân binh bắt về cung và giam vào ngục tối.
Về phần công chúa, từ khi nàng được Lý Thông đưa về cung thì tự nhiên hóa câm, suốt ngày mặt hoa rầu rĩ không nói không cười.
Nhà vua đành hoãn lại việc cưới xin, sai Lý Thông mời các pháp sư tài giỏi có đủ phép thuật cao cường về cúng bái cho nàng hết bệnh.
Nhưng cầu mãi vẫn không ăn thua, công chúa ngày này sang ngày khác cứ im như thóc làm cho Lý Thông vô cùng sốt ruột.
Giữa lúc đó thì nghe tin Thạch Sanh bị bắt, thuộc quyền xét xử của hắn.
Lý Thông biết Thạch Sanh còn sống thì lo sợ lắm, hắn định nhân cơ hội này đem chàng ra xử tội chết để phi tang những tội ác của mình.
Trong khi ấy, Thạch Sanh ngồi trong ngục, buồn tình đem đàn của vua Thủy Tề ra gãy, không ngờ đấy là cây đàn thần, âm thanh vẳng ra lúc thì như ai oán, lúc thì như than vãn, như tức bực, kể hết nỗi lòng của chàng.
Tiếng đàn vang ra xa, bay vào hoàng cung, chất chứa bao nỗi muộn phiền, kể hết nỗi niềm nhớ nhung với người con gái gặp trong hang sâu.
Vừa nghe tiếng đàn, đột nhiên công chúa choàng dậy, bao hình ảnh dồn dập diễn ra trong lòng khiến nàng bừng tỉnh, nói cười vui vẻ.

Nhà vua vô cùng ngạc nhiên, không hiểu duyên cớ gì mà công chúa tự nhiên khỏi bệnh, ngài vui mừng khôn xiết đến hỏi con:
- Con yêu của ta! Con đã thật hết bệnh chưa? Vì cớ gì mà bao lâu nay con trở nên câm như thế?
- Thưa cha, con cũng chẳng biết nữa, nhưng xin cha hãy cho vời người đánh đàn vào đây thì mọi chuyện sẽ rõ ạ!
Nhà vua nghe lời con, liền sai quân binh đưa Thạch Sanh đến.
Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi thân phận của mình từ lúc mồ côi cho đến lúc kết bạn với Lý Thông và vì sao chàng phải bị giam vào ngục.
Nhà vua nghe qua câu chuyện của chàng trai hiền lành chất phác này thì trong lòng thương cảm, trong khi đó, Lý Thông thì càng lúc càng lo sợ.
Thạch Sanh kể tiếp chuyện cứu công chúa rồi bị nhốt trong hang sâu, nay nhờ có cây đàn thần của vua thủy tề nên mới giải được nỗi oan bấy lâu nay.
Nhà vua bừng bừng nổi giận, sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng nhớ lại tình xưa, rộng lượng tha cho họ về quê làm ăn, nhưng khi về đến nửa đường thì hai mẹ con bị sét đánh chết.
Thạch Sanh được nhà vua y lời gả công chúa cho. Lễ cưới diễn ra tưng bừng náo nhiệt khiến cho các hoàng tử chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn tức giận, họ hội họp binh lính mười tám nước lại, cất quân sang hỏi tội nhà vua, tại sao lại đem công chúa con mình gả cho một đứa khố rách áo ôm.
Thạch Sanh không lo sợ, chàng cầm đàn lên gảy và tiếng đàn vang lên khiến cho quân lính không còn ý chí đánh trận nữa, đành phải cuốn giáp quy hàng.
Thạch Sanh dùng niêu cơm thần dọn cho chúng ăn, cả bọn bĩu môi khinh dễ cho là chàng keo kiệt vì chỉ bày ra có một niêu cơm. Biết ý, chàng đố họ ăn hết niêu cơm sẽ được trọng thưởng. Quả nhiên, chúng ra sức ăn, nhưng niêu cơm hết vơi lại đầy nên sau khi ăn xong, chúng rập đầu lạy tạ và kéo nhau về nước.
Về sau nhà vua không có con trai nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.